Giá này tương đương 30,13 triệu đồng một lượng chưa bao gồm thuế, phí. Thị trường trong nước đóng cửa hôm qua tại 35,29-35,41 triệu đồng.
Giá thậm chí đã phá xuống dưới 1.180 USD. Đây là ngưỡng kim loại quý vẫn duy trì được trong hai đợt bán tháo lớn tháng 6 và tháng 12 năm ngoái.
Đồng yen hôm qua đã xuống thấp nhất gần 7 năm so với USD và là phiên tệ nhất trong 18 tháng, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản gây sốc thị trường tài chính bằng gói nới lỏng tiền tệ khổng lồ.
“Nguyên nhân chủ yếu kéo giá đi xuống là đồng đôla mạnh sau quyết định của BOJ. Giá còn giảm nữa trong ngắn hạn, do USD vẫn có thể đi lên. Tuy nhiên, sau đó, vàng sẽ hưởng lợi khi thị trường rối loạn bởi hoạt động của các ngân hàng trung ương”, Jeffrey Sica – Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư Sica Wealth Management nhận xét.
Mức giá 1.173 USD một ounce hiện tại là thấp nhất kể từ tháng 7/2010. Trong phiên, có lúc giá rơi xuống 1.161 USD. Đây cũng là mức giảm ngày mạnh nhất từ tháng 7.
Kim loại quý đã phá vỡ hai ngưỡng hỗ trợ quan trọng tại 1.200 USD và 1.180 USD, châm ngòi cho các lệnh bán cắt lỗ tự động. Tổng cộng cả tuần, giá giảm 4,8% và và tuần giảm mạnh nhất từ tháng 6/2013. Giá các hợp đồng giao tháng 12 cũng mất 2,25% xuống 1.171 USD một ounce.
Trước đó, thị trường đã chịu áp lực sau nhận xét lạc quan của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về kinh tế Mỹ và nguy cơ nước này tăng lãi suất sớm.
Nhu cầu trên thị trường đầu tư cũng còn yếu, khi dự trữ tại SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới giảm 0,16% xuống 741 tấn hôm thứ Năm. Đây là mức thấp nhất 6 năm qua.
Động thái của BOJ cũng kéo chứng khoán Mỹ lên cao kỷ lục trong phiên cuối tuần, do nó làm tăng sự lạc quan vào kinh tế toàn cầu. Cả ba chỉ số chủ chốt đều tăng trên 1%. Mạnh nhất là Nasdaq với 1,4%.