Không có “lướt sóng”
Thị trường vàng trong nước ngày 14/7 tiếp tục giảm nhẹ theo đà giảm của thị trường vàng thế giới. Giá vàng SJC giảm 10.000 đồng/lượng so với phiên 13/7, giao dịch ở mức 33.920.000 - 33.990.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới giữ ổn định ở mốc 1155.65 USD/ounce, tương đương 30,40 triệu đồng/lượng.
Giao dịch tại cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu (Trần Nhân Tông - Hà Nội). Ảnh: Lê Phú
Theo Công ty vàng Bảo Tín - Minh Châu, giá vàng trong nước thời gian qua liên tục giảm, hấp dẫn nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và người dân với tỷ lệ mua vào là 55% và bán ra là 45%. Tuy nhiên, sức cầu vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước đây. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá vàng có những thời điểm giảm, ngược chiều mức tăng của giá vàng thế giới.
Trả lời phóng viên báo Tin Tức, đại diện Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết: Sáng 14/7, giá vàng tại thị trường châu Á bất ngờ giảm và mở cửa với mức giá 1155.2 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC niêm yết tại PNJ ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giao dịch ở cùng mức giá 33.930.000 - 34.000.000 đồng/lượng. Tổng giá trị giao dịch của PNJ tại TP Hồ Chí Minh đang nhích dần và chủ yếu vẫn nghiêng về trạng thái gom vàng của người dân (chiếm 70%/tổng giao dịch).
Tuy nhiên, tại một số cửa hàng vàng khác ở TP Hồ Chí Minh, giao dịch mua bán vẫn diễn ra khá trầm lắng. Tại các trung tâm vàng bạc đá quý gần chợ Bến Thành (quận 1), phần lớn người dân đến bán vàng nhiều hơn mua. Theo chủ quầy vàng tại Trung tâm vàng bạc đá quý Agribank, điều này trái ngược hẳn với tâm lý người mua vàng trước đây. Thông thường, mỗi khi giá vàng xuống, người dân thường tranh thủ mua vào để dự trữ hoặc đầu cơ để khi giá vàng lên cao sẽ bán chốt lời.
Chị Minh Ngọc, ở quận 4 (TP Hồ Chí Minh) nói: “Trong khi tiết kiệm đang có chiều hướng tăng thì giá vàng liên tục giảm mạnh. Nếu tích trữ vàng lúc này sẽ không có lợi nên tôi quyết định bán 2 lượng vàng để gửi tiết kiệm, tránh rủi ro để vàng lâu vừa mất giá, vừa mất an toàn”.
Quan sát trên biểu đồ giá vàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), thị trường vàng miếng liên tục giảm trong suốt một năm qua, từ mốc 36,76 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 34 triệu đồng/lượng, thấp nhất trong gần 5 năm qua. Thế nhưng, lượng giao dịch không cao và không có bất cứ một “cơn sóng” nào.
Thành công trong điều hành
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới giá vàng thế giới ít có xu hướng tăng dù cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp vẫn tiếp tục tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu; thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị rúng động, sụt giảm điểm; biến động chính trị của Iran. Nếu so với giá USD thì giá vàng hiện tiếp tục giảm.
Một số tổ chức tài chính lớn cũng nhận định, vàng thế giới vẫn đang nằm trong xu hướng giảm giá dài hạn. Mặc dù vậy, sau những đợt giảm giá kéo dài, vàng sẽ vẫn có những đợt phục hồi.
“Sở dĩ giá vàng trong nước giảm, thị trường vàng không biến động nhiều là nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công trong việc điều hành chính sách, kiểm soát được giá vàng và thị trường vàng để ổn định hệ thống tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong năm 2014 và 2015, mặc dù NHNN không tổ chức đấu thầu bán vàng nhưng nguồn cung trong nước khá ổn định. Hiện, mức cung và cầu về thị trường vàng đang ở mức khá cân bằng, ổn định. Tuy nhiên, nguyên nhân nữa khiến việc nhìn nhận vàng không còn là kênh trú ẩn, an toàn duy nhất như trước là do lạm phát đang ở mức rất thấp. Nhận thức của người dân cũng thay đổi hơn. Ngoài việc mua vàng thì họ còn có thể gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, chứng khoán hay đầu tư trực tiếp, gián tiếp nhiều lĩnh vực khác”, ông Hiếu nói.
Một cán bộ của SJC phân tích: Nếu như trước đây, giá vàng thế giới chỉ cần biến động 5 - 7 USD/ounce trong một phiên đã tác động mạnh đến giá trong nước, khiến nhà đầu tư mua lướt sóng để kiếm lời. Nay, giá vàng thế giới, đơn cử như phiên ngày 9/7 giảm gần 20 USD/ounce, rơi xuống vùng 1.150 USD/ounce nhưng giá trong nước chỉ giảm nhỏ giọt, nhà đầu tư cũng chẳng mặn mà. Thêm nữa, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn, thường xuyên ở mức trên 3 triệu đồng/lượng vừa rủi ro lại không có lãi nhiều nếu đầu tư vàng.
Đề cập tới mức chênh lệch giá vàng nội và và ngoại vẫn ở mức cao là 3,5 - 3,6 triệu đồng/lượng, một số chuyên gia ngân hàng lý giải nguyên nhân là do giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa có sự liên thông. Tuy nhiên, khoảng cách này tạm thời phải chấp nhận vì nếu như NHNN nhập khẩu lượng vàng lớn để tăng nguồn cung thì khả năng sẽ gây ra biến động thị trường trong nước.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2015, thị trường vàng trong nước vẫn khá trầm lắng trong bối cảnh thị trường thế giới đôi lúc có những biến động mạnh. Giá vàng chủ yếu xoay quanh mốc 34,3 - 35,5 triệu đồng/lượng. Sức hút của vàng đối với người dân đã phần nào giảm đi sau hàng loạt chính sách quản lý thị trường. Giá vàng thế giới giảm thêm 0,3% Giá vàng thế giới ngày 14/7 đã tiếp tục đà sụt giảm so với phiên trước đó, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên so với đồng euro và yen, do tâm lý kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 tới. Vào lúc 13 giờ 12 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đã giảm 0,3% còn 1.154,08 USD/ounce (tương đương 30,344 triệu đồng/lượng), giảm tiếp so với con số 1,1% của phiên trước đó. Giá vàng giao tháng 8/2015 của Mỹ giảm 0,1% còn 1.153,90 USD/ounce. Chủ tịch FED Janet Yellen sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong hai ngày 15 - 16/7. Khả năng Mỹ nâng lãi suất trong năm nay chính là một nhân tố đè nặng lên giá vàng thời gian gần đây bên cạnh các tác động xấu của hai nền kinh tế Hy Lạp và Trung Quốc. Mark To, chuyên gia nghiên cứu tại Tập đoàn tài chính Wing Fung (Hong Kong), cho biết giới đầu tư đang chờ đợi vào phiên điều trần sắp tới của bà Yallen để định hướng đầu tư. Ông nhận định giá vàng thậm chí có thể rớt xuống mốc 1.080 USD/ounce. Hoàng Trang (theo Reuters) |