Giao dịch trầm lắng khi các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường quan sát và chờ kết quả số liệu việc làm từ Bộ Lao động Mỹ. Nếu thông tin đưa ra cho thấy số lượng công việc cũng như lương thưởng tăng trưởng tốt thì nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 tới. Điều này đã gây áp lực lên giá vàng.
Có lúc, mỗi ounce rớt liền mạch 13 USD giảm từ 1.185 USD xuống dưới 1.172 USD vào giữa phiên New York. Sau đó, giá phục hồi nhẹ khi về cuối phiên và chốt ngày mất 9 USD, quanh mốc 1.176 USD - mức thấp nhất trong vòng năm tuần. Cùng lúc, giá vàng giao tháng 8 chốt ngày 1.175,3 USD, giảm khoảng 9,6 USD so với phiên liền trước..
Bước sang giờ giao dịch tại thị trường châu Á sáng nay, giá vàng phục hồi nhẹ. Tính đến 7h40, giờ Hà Nội, mỗi ounce nhích lên 1.177,5 USD, tăng gần 2 USD so với mở cửa.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng 21.840 đồng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện khoảng 30,95 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa ngày 4/6 của vàng miếng trong nước xoay quanh 34,87 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới khoảng 3,9 triệu đồng mỗi lượng.
Tuy trải qua phiên sụt giảm mạnh nhất năm tuần qua, nhưng hiện nay vàng vẫn đang được hỗ trợ trước thông tin của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Mỹ nên hoãn việc tăng lãi suất cho đến năm 2016 và bày tỏ lo ngại về vấn đề lạm phát tác động lên nền kinh tế số một thế giới này.
Báo cáo cũng khiến nhiều người tin rằng các quan chức IMF đang lo lắng về những "bóng ma" thiếu tính thanh khoản của thị trường trái phiếu sẽ trở thành vấn đề lớn nếu FED bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay. Hôm qua, giá của trái phiếu Đức và Mỹ chạm mức thấp nhất trong tháng. Mặt khác, chỉ số đồng bạc xanh giao dịch ở mức thấp trong hai tuần, cùng với những dấu hiệu tích cực về việc giải quyết khủng hoảng nợ Hy Lạp... sẽ phần nào có lợi cho sự đi lên của vàng trong ngắn hạn.