Giá này tương đương 31,43 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế, phí, gia công). Giá trong nước hôm qua đóng cửa tại 35,88-36 triệu đồng.
Thị trường hôm qua lao dốc sau thông tin doanh số bán lẻ Mỹ đã tăng trong tháng 8. Còn niềm tin tiêu dùng lập đỉnh 14 tháng trong tháng 9. Đây là tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế quý III của Mỹ sẽ mạnh lên.
Giá vàng thế giới đã giảm 3,1% trong tuần. Ảnh: BI
Giá bạc và bạch kim lao dốc cũng gây sức ép lên vàng. Bạch kim đã lập đáy mới năm nay trong phiên hôm qua.
"Nhu cầu vàng vật chất hầu như không nhúc nhích, nhất là từ Ấn Độ và Trung Quốc. Các hàng hóa và kim loại quý khác cũng vậy", Bruce Dunn tại hãng kinh doanh kim loại quý Auramet nhận xét. Giá các hợp đồng giao tháng 12 giảm 7,5 USD một ounce xuống 1.231,5 USD.
Tổng cộng cả tuần, giá đã mất 3,1%, mạnh nhất từ tháng 5, do lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sớm. Nếu tính 2 tuần gần đây, mức giảm là 4,5%, mạnh nhất từ tháng 3.
Dollar Index mất 0,1% so với các tiền tệ lớn, nhưng cũng đã tăng 9 tuần liên tiếp. USD hiện ở đỉnh 6 năm so với yen Nhật, do thị trường dự đoán FED sẽ công bố thắt chặt tiền tệ trong phiên họp tuần tới.
"Thị trường vẫn chịu sức ép từ dự đoán kinh tế Mỹ đi lên trong dài hạn và không có nhu cầu vật chất. Vì thế, giá sẽ còn lập nhiều đáy mới", Andrey Kryuchenkov – nhà phân tích tại VTB Capital cho biết. Các nhà buôn vàng cũng nhận xét việc giá tại Ấn Độ giảm tới 25% trong một năm qua đã khiến người dân nước này mất lòng tin vào chức năng dự trữ giá trị của kim loại quý.
SPDR Gold Trust – Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới cũng cho biết đã bán ra 0,32 tấn hôm thứ Năm, đẩy dự trữ xuống 788,4 tấn.