Tâm lý né tránh rủi ro bao trùm khắp thị trường sau cảnh báo của Ngân hàng trung ương Anh về rủi ro “Brexit” cũng như tin tức cho thấy số đơn hàng nhà máy của Mỹ giảm và báo cáo về hoạt động sản xuất và dịch vụ trái chiều tại châu Á và châu Âu.
Lúc 14h11 giờ New York (1h11 sáng ngày 6/7 giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.355,51 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 8/2016 trên sàn Comex tăng 1,5% lên 1.358,7 USD/ounce.
Hôm thứ Hai 4/7, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ Lễ Độc lập.
Cổ phiếu châu Âu giảm 1,5% khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng 4 ngày kết thúc hôm thứ Hai 4/7 bất chấp hy vọng kích thích của ngân hàng trung ương sẽ phần nào hạn chế bất ổn do Brexit.
Tuy nhiên, USD mạnh lên và một số đầu tư chốt lời đã gây áp lực lên giá vàng. USD tăng 0,4% so với các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ.
Yên Nhật - thường được coi là tài sản trú ẩn vào những thời điểm bất ổn - cũng tăng 1% so với euro và USD trong khi bảng Anh xuống thấp nhất kể từ thời điểm người Anh bỏ phiếu ra khỏi EU.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tác động của Brexit sẽ không phải là yếu tố thay đổi đối với kinh tế thế giới. Các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định, đà hồi phục của Anh có thể chững lại do bất ổn về mối quan hệ của nước này với EU 27 nhưng tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn với sự hỗ trợ chính sách sẽ làm yếu đi “cú đánh” này.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,1% xuống 19,89 USD/ounce, giá palladium giảm 2,3% xuống 600 USD/ounce trong khi đó, giá bạch kim tăng 0,7% lên 1.072,8 USD/ounce.