Nếu giá vàng thế giới chạm ngưỡng 1.700 USD thì giá trong nước sẽ vượt mốc 42 triệu đồng một lượng.

Tăng vù vù

Giá vàng thế giới liên tục tăng cao thời gian qua đã khiến nhiều người kỳ vọng vàng trong nước sớm vượt ngưỡng 40 triệu đồng. Song động thái mua bán của các nhà đầu tư vẫn chưa rõ ràng. Ông Lưu Quang Điền, giám đốc SJC Hà Nội cho rằng, giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ vượt ngưỡng 1.700 USD một ounce trong ngắn hạn, do còn nhiều vấn đề căng thẳng như nợ công Mỹ và châu Âu... Xu hướng thị trường thế giới trong 5 tháng tới sẽ khá giống với 5 tháng cuối năm ngoái (từ tháng 7 đến tháng 12). Trong giai đoạn này, giá kim loại quý tăng khoảng 250 USD một ounce. Giới phân tích vàng thế giới cho rằng, chỉ khi nào vàng mất mốc 1.581 USD một onuce thì xu hướng giảm mới hình thành. Nếu giá vàng thế giới chạm ngưỡng 1.700 USD thì giá trong nước sẽ vượt mốc 42 triệu đồng một lượng.



Tuy nhiên, trên con đường tới ngưỡng này, sẽ có lúc giá vàng giảm nhẹ, bởi vàng thế giới hiện có 2 ngưỡng kháng cự là 1.624 và 1.650 USD. Còn hai ngưỡng hỗ trợ của vàng là 1.600 và 1.603 USD.



Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác tại Hà Nội khẳng định chắc nịch rằng, giá vàng trong nước thậm chí có thể vượt xa 42 triệu đồng và chạm mốc 43 triệu đồng.


Thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn đều có một lượng khách VIP là những nhà đầu tư trung thành. Thời điểm có thông tin vàng miếng sẽ bị cấm giao dịch trên thị trường tự do và thị trường vàng bị kiểm soát chặt chẽ, nhiều nhà đầu tư không hy vọng vào sự biến động mạnh của vàng, đã dần chuyển vốn sang các kênh khác. Thế nhưng hiện các nhà đầu tư này đang có động thái quay trở lại thị trường, khi nhiều nhận định cho thấy vàng thế giới đang trong xu hướng tăng "nóng".


Biên độ mua - bán thu hẹp bất thường



Nếu như tối qua, có thời điểm giá vàng lên tới 39,95 triệu đồng thì sáng nay, đà tăng của vàng đã nhanh chóng hạ nhiệt, song vẫn ngự trị trên mức 39,8 triệu đồng.


Giá vàng sẽ vượt 42 triệu đồng/lượng
Hiện khoảng cách giữa giá mua và bán vàng vẫn đang bị thu hẹp bất thường. Ảnh: Thu Hạ.

Mở cửa sáng nay, giá vàng rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu được niêm yết mua – bán tương ứng ở mức 39,7 – 39,8 triệu đồng. Khoảng hơn nửa tiếng sau, giá kim loại quý bắt đầu tăng nhẹ, vàng rồng Thăng Long được thay đổi giá, lên 39,72 triệu đồng mua vào và 39,82 triệu đồng bán ra. Trong khi đó, hôm qua, thời điểm cuối giờ chiều và tối, giá vàng bán ra tại đây có lúc lập đỉnh 39,95 triệu đồng.


Hiện, khoảng cách giữa giá mua và bán vẫn đang bị thu hẹp bất thường. Nhìn vào giá của các thương hiệu vàng trên thị trường khoảng hơn hai tuần qua có thể thấy rõ điều này.



Giá vàng miếng SJC tại Ngân hàng Eximbank lúc 11h được niêm yết ở mức 39,77 – 39,83 triệu đồng (mua – bán). Vàng miếng SJC tại Ngân hàng ACB có mức giá mua – bán lần lượt là 39,78 – 39,85 triệu đồng. Vàng SJC tại thị trường TP HCM ở mức 39,76 – 39,83 triệu đồng. Có chênh lệch giá mua bán thấp nhất phải kể đến giá vàng tại các cửa hàng tự do khi mua vào 39,75 và bán ra chỉ 39,81 triệu đồng một lượng.



Theo giới kinh doanh vàng, các cửa hàng tự do, nhỏ lẻ phải niêm yết giá bán ra thấp hơn các doanh nghiệp lớn, nhằm thu hút người dân mua vàng. Tuy nhiên, khách hàng khi mua vàng tại đây thường không an tâm lắm về chất lượng cũng như trọng lượng và tuổi vàng, hơn nữa khi bán cho các doanh nghiệp vàng lớn thường bị mất giá nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp còn không mua vàng ngoài.


Nhớ lại thời điểm tháng 11/2009, khi giá vàng trong nước đang dần thiết lập đỉnh 29,3 triệu đồng, thì nhiều doanh nghiệp vàng để khoảng cách giữa giá mua và bán có lúc lên tới gần 1 triệu đồng, thậm chí 3 triệu đồng mỗi lượng. Còn mức chênh lệch giá phổ biến suốt thời gian đó là từ 150.000 đến 500.000 đồng một lượng.


Sau đó, rất nhiều thời điểm giá vàng đang trong chu kỳ tăng, các tập đoàn tài chính và doanh nghiệp vàng lớn thực hiện thu gom vàng. Để hạn chế khách hàng mua vào và khuyến khích họ bán ra, những tổ chức này đã nâng giá bán lên cao hơn giá mua tới cả triệu đồng.


Còn hiện giá vàng đã lập đỉnh cao mới và vẫn đang trong đà tăng, nhưng khoảng cách giữa giá mua và bán trong nước chỉ “nhỏ giọt”, phổ biến từ 60.000 đến 80.000 đồng mỗi lượng. Một đại diện của Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Hà Nội cho hay, biên độ chênh lệch này là quá thấp so với giá trị của vàng. Thông thường biên độ giữa giá mua và bán vàng phải tăng theo giá vàng. Cách đây nhiều năm, khi giá vàng chỉ ở mức 5 triệu đồng một lượng thì khoảng cách giữa giá mua và bán đã là 50.000 đồng tới 100.000 đồng một lượng. Bây giờ giá kim loại quý tăng gấp 8 lần, song chênh lệch giá mua bán vẫn vậy.



Theo giới chuyên gia, điều này cho thấy thị trường vàng đang hoạt động không bình thường. “Việc điều chỉnh biên độ giữa giá mua và bán quá cao hay quá thấp cũng đều là hành vi thao túng giá thị trường. Với các doanh nghiệp vàng, khoảng cách giữa giá mua và bán còn được xem là tiền lãi, bởi họ ăn lời từ các hoạt động mua đi bán lại. Nếu như trước kia, chi phí sản xuất, kinh doanh “mềm” hơn mà lãi lại nhiều hơn, thì nay mọi chi phí đều tăng mạnh, trong khi tiền lãi gộp giảm 5 – 10 lần, khiến không ít doanh nghiệp vàng thua lỗ”, đại diện của SJC Hà Nội phân tích.


Còn theo ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Bảo Tín Minh Châu, để khoảng cách giữa giá mua và bán được ổn định dù giá vàng tăng hay giảm, Nhà nước nên quy định rõ về biên độ giá mua bán. “Theo tôi, mức hợp lý là chênh lệch giữa giá mua và bán dao động quanh mức 0,3 – 1% giá bán ra, đối với doanh nghiệp mua bán buôn. Còn đối với doanh nghiệp mua bán lẻ, biên độ dao động giá mua bán có thể linh động hơn, từ 0,5 đến 2%”, ông Châu nói.

Theo Thu Hạ (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh