Sự sụt giá chóng mặt của vàng đã gây thua lỗ nặng cho những “đại gia” liên quan đến vàng.
Phiên giao dịch ngày 20/6 tại thị trường Mỹ đã chứng kiến giá vàng rớt xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Khi đóng cửa, giá vàng giao ngay “bốc hơi” trên 5,4%, còn 1.278,8 USD/oz. Đây là phiên đầu tiên giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.300 USD/oz kể từ tháng 9/2010.
Theo một cuộc thăm dò của hãng tin tài chính Bloomberg, cùng với cú “ngã ngựa” này của giá vàng, mức độ bi quan của các nhà đầu tư vàng đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm rưỡi.
Nhiều lý do để vàng giảm giá
Mấy năm qua, vàng đã có một môi trường thuận lợi để tăng giá khi các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới mà dẫn đầu là FED đã liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng. FED đã duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục gần 0% đến nay vẫn chưa thay đổi, cộng thêm bơm tiền ồ ạt vào thị trường thông qua việc mua tài sản. Hiện tại, chương trình nới lỏng định lượng (QE) chi mỗi tháng 85 tỷ USD để trợ lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Từ năm 2008 khi FED bắt đầu các chương trình QE cho tới nay, giá trị bảng cân đối kế toán của FED đã phình to lên mức kỷ lục 3,41 nghìn tỷ USD.
Bước sang năm 2013, kinh tế Mỹ có sự phục hồi ngày càng rõ nét hơn. Vì thế, những đồn đoán về khả năng FED sẽ sớm thu hẹp hoặc chấm dứt QE cũng rộ lên. Từ trước tới nay, QE đã thúc đẩy và nâng đỡ giá vàng, thì đến hiện tại, khả năng QE kết thúc đương nhiên sẽ gây ra áp lực giảm giá mạnh cho vàng. Xu hướng giảm giá từ đầu năm đến nay của vàng bắt nguồn từ chính những đồn đoán về QE này.
Những lo ngại của các nhà đầu tư đã trở thành hiện thực khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày 18-19/6 vừa rồi, Chủ tịch FED Ben Bernanke tuyên bố có thể thu hẹp quy mô của QE trong năm nay. Tiếp đó, nếu điều kiện cho phép, FED sẽ tiếp tục thu hẹp chương trình này trong nửa đầu năm sau, tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào giữa năm.
Tuyên bố này của FED như một “cú đấm” giáng vào niềm tin của giới đầu tư vàng vốn dĩ đã mong manh suốt từ đầu năm, nhất là kể từ khi giá vàng có cú sụt giảm kỷ lục vào hồi giữa tháng 4. Năm 2013 này đang đối mặt nguy cơ trở thành năm giảm giá đầu tiên của vàng kể từ năm 2000. Tính từ đầu năm, giá vàng đã giảm hơn 20%.
“Những tuyên bố của FED thực sự là một tín hiệu cuối cùng cho thấy triển vọng tăng giá vàng đang khép lại. Một trong những điều tạo nên sức hấp dẫn của vàng, nhất là từ năm 2008, là chính sách nới lỏng định lượng. Bởi thế, việc FED giảm quy mô của chương trình này báo hiệu không tốt cho giá vàng”, ông Frederique Dubrion, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Blue Star Advisors SA ở Thụy Sỹ, nói với Bloomberg.
Giới đầu tư quốc tế đang nhận thấy họ có quá nhiều lý do để bán vàng. Số liệu của Bloomberg cho thấy, từ đầu năm đến nay, các quỹ tín thác (ETF) đầu tư vàng, trong đó lớn nhất là quỹ SPDR Gold Trust, đã bán ròng khoảng 520,7 tấn vàng, trị giá khoảng 21,7 tỷ USD. Tổng mức nắm giữ của các quỹ này hiện ở mức 2.111,2 tấn, thấp nhất từ tháng 3/2011.
Sự sụt giá chóng mặt của vàng đã gây thua lỗ nặng cho những “đại gia” liên quan đến vàng. Nhà đầu cơ tỷ phú John Paulson trong tháng 5 vừa qua đã chứng kiến giá trị quỹ vàng Gold Fund của ông mất 13%. Trước đó, đợt giảm giá vàng hồi giữa tháng 4 đã khiến ông Paulson mất hàng tỷ USD chỉ trong vòng vài ngày. Trong khi đó, hãng khai mỏ vàng hàng đầu của Australia là Newcrest Mining mới đây cho biết sẽ đánh tụt giá trị tài sản khoảng 5,5 tỷ USD.
Không chỉ chịu sức ép giảm giá từ việc FED sắp thu hẹp QE, vàng còn chịu áp lực mất giá vì nhiều lý do khác.
Sự khởi sắc của kinh tế Mỹ kéo theo sự tăng điểm liên tục của thị trường chứng khoán nước này trong thời gian gần đây, khiến giới đầu tư đua nhau chuyển vốn từ vàng sang cổ phiếu. Mấy ngày gần đây, chứng khoán giảm giá, nhưng lợi suất trái phiếu Mỹ lại tăng vọt, hút mạnh vốn từ các kênh đầu tư khác trong đó có vàng. Hôm qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 2,47%, cao nhất kể từ tháng 8/2011.
Nhu cầu vàng vật chất của thế giới gần đây đã giảm đáng kể sau khi tăng vọt vào hồi giữa tháng 4, thời điểm giá vàng giảm sâu. Đặc biệt, tại nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới là Ấn Độ, Chính phủ nước này thời gian qua liên tục tăng thuế nhập khẩu vàng nhằm kiểm soát tình trạng thâm hụt cán cân vãng lại, khiến lượng vàng nhập khẩu vào nước này có chiều hướng sụt mạnh.
Tin tức phát đi từ Trung Quốc vào hôm qua khiến giới đầu tư vàng thêm phần âu lo. Nguy cơ xảy ra tình trạng căng thẳng tín dụng Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng nhiều thứ hai trên thế giới, đang gia tăng khi lãi suất ngắn hạn ở nước này lên cao tới mức kỷ lục. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang “phớt lờ” những áp lực của thị trường đòi hỏi việc bơm vốn, bất chấp những tín hiệu mới cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này đang giảm tốc.
Dự báo giá vàng đua nhau giảm
Trong bối cảnh này, không có gì là khó hiểu khi các nhà dự báo tiếp tục mạnh tay cắt giảm triển vọng giá vàng.
Trong một báo cáo phát đi vào ngày hôm qua, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho rằng, giá vàng có thể giảm về mức 1.250 USD/oz trong vòng 1 tháng tới đây. Dự báo giá vàng trung bình của năm 2013 bị UBS cắt giảm 10% về mức 1.440 USD/oz từ mức 1.600 USD/oz đưa ra trong lần dự báo trước.
Vào hôm thứ Tư tuần này, ngân hàng Pháp Societe Generale hạ dự báo giá vàng quý 4/2013 xuống mức 1.200 USD/oz từ mức 1.375 USD/oz trước đó.
Ông Ric Deverell, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa cơ bản của ngân hàng Credit Suisse thì dự báo rằng, giá vàng có thể tụt về 1.100 USD/oz trong vòng 1 năm. Giáo sư kinh tế Nouriel Roubini thuộc Đại học New York nhận định, giá vàng sẽ trượt về mức 1.000 USD/oz trong thời gian từ nay đến năm 2015.
Vào tháng 9/2011, giá vàng thế giới đã lập đỉnh cao mọi thời đại trên ngưỡng 1.900 USD/oz.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà dự báo giữ thái độ lạc quan thận trọng về giá vàng. Những người có quan điểm này cho rằng, giá vàng có thể hồi phục nều kinh tế Mỹ xấu đi hoặc không phục hồi mạnh tới mức đủ để FED thu hẹp QE, buộc FED phải tiếp tục duy trì chính sách này. “Những số liệu thống kê kinh tế nếu xấu đi trong những tháng tới sẽ khiến FED phải hoãn thu hẹp QE, nhờ đó giá vàng sẽ được lợi”, ông James Steel, Giám đốc phân tích kim loại quý của HSBC, nói trên Reuters.
Bên cạnh đó, các chuyên gia lạc quan nêu rõ, chưa có cơ sở nào cho thấy FED sẽ nâng lãi suất lên từ mức thấp kỷ lục hiện nay trong thời gian từ nay đến năm 2015. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương lớn khác vẫn đang duy trì chính sách “siêu lỏng”. Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) dự kiến sẽ bơm 715 tỷ USD vào thị trường mỗi năm để hỗ trợ tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẵn sàng hành động nều kinh tế khu vực xấu đi.
Ông Adrian Day, nhà quản lý quỹ Adrian Day Asset Management, nhận xét rằng, đợt bán tháo vàng sau cuộc họp của FED là cách phản ứng thái quá của thị trường. “Chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn đang rất có lợi cho vàng”, ông Day nhận xét.