Đến 8h (giờ Hà Nội), mỗi ounce giảm nhẹ xuống 1.311 USD, tương đương 33,55 triệu đồng mỗi lượng (chưa kể thuế, phí, gia công). Hôm qua, thị trường trong nước đóng cửa quanh 36,62-36,74 triệu đồng.
Đầu phiên, giá vàng đi lên sau thông tin số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng mạnh hơn dự đoán trong tuần trước. Có lúc giá lên tới gần 1.319 USD một ounce. Những chỉ số gần đây của Mỹ đã khiến nhà đầu tư ngờ vực liệu nước này có thực sự đang trên đà tăng trưởng hay không.
=
Đà tăng của giá vàng thế giới bị ghìm lại do căng thẳng chính trị hạ nhiệt. Ảnh: Anh Quân
Hôm qua, các báo cáo kinh tế cũng cho thấy tình hình tăng trưởng tại châu Âu vẫn rất yếu ớt. GDP quý II của khối này chỉ lên 0,7% so với năm ngoái. Số liệu tại cả hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp cũng gây thất vọng. CPI chỉ tăng 0,4% cũng làm dấy lên lo ngại về giảm phát tại châu Âu.
Giá các hợp đồng giao tháng 12 tăng 1,2 USD lên 1.315 USD. Khối lượng giao dịch thấp hơn 35% trung bình 30 ngày. Từ đầu năm, giá đã tăng 9%, chủ yếu do xung đột chính trị tại Ukraine, Iraq và Israel.
Tuy nhiên, giá sau đó lại hạ nhiệt do USD mạnh lên và tuyên bố của Tổng thống Nga - Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tự bảo vệ mình, nhưng không phải bằng cách đối đầu với thế giới.
Hôm qua, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết nhu cầu toàn cầu đã giảm trong quý II. Doanh số bán trang sức, vàng thỏi và vàng xu đều đi xuống so với năm ngoái.
SPDR Gold Trust - quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới cũng bán ra 0,26 tấn hôm thứ Tư, giảm dự trữ xuống còn 795,6 tấn.
Hôm qua, thị trường dầu thô cũng lao dốc do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm mạnh, trong khi nguồn cung không bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị. Giá dầu WTI giao tháng 9 của Mỹ giảm 2,1% xuống 95,6 USD một thùng, thấp nhất kể từ ngày 21/1. Trong khi đó, dầu Brent giảm 2,2% xuống 102 USD mỗi thùng, thấp nhất hơn một năm.