21/09/2011 4:01 AM
"Họ đang chờ đợi các yếu tố rõ ràng, không phải là sự phỏng đoán", Ken Polcari, giám đốc quản lý hãng chứng khoán ICAP ở New York cho biết. "Bởi chính những yếu tố không rõ ràng đã khiến thị trường bị rối loạn thời gian qua". Theo ông, một khi thị trường rõ ràng, nhà đầu tư sẽ thoải mái hơn trong việc ra quyết định cần làm gì.
Giá vàng, “chứng” và áp lực tin đồn
Các thị trường hàng hóa đang biến động theo tâm lý nhà đầu tư trước những tin đồn - Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, mong mỏi của ông Polcari khó thành hiện thực, ít nhất là tới lúc này. Và thị trường vẫn đang biến động theo những phỏng đoán của giới phân tích.

Hôm qua, thị trường thiếu vắng những thông tin kinh tế quan trọng, giá cả các loại hàng hóa biến động chủ yếu dựa vào những đồn đoán của giới đầu cơ và các nhà phân tích về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tung ra chương trình nới lỏng định lượng mới để nâng nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái kép "đứng" dậy trở lại.

Trên thị trường vàng, chốt ngày giao dịch 20/9, giá vàng giao ngay tăng 27,2 USD lên 1.806,25 USD/ounce, giá vàng giao tháng 12 tăng 28,1 USD lên 1.807,1 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu tháng 9, hiện giá kim loại quý này vẫn đang giảm hơn 2% và giảm 7% nếu so với mức đỉnh 1.920 USD/ounce.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 7,65 điểm, tương ứng 0,07%, lên 11.408,66 điểm. Ngược lại, chỉ số S&P 500 giảm 2 điểm, tương ứng 0,17%, xuống 1.202,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 22,59 điểm, tương ứng 0,86%, xuống 2.590,24 điểm.

Trên thị trường xăng dầu, chốt phiên giao dịch đêm qua (20/9), giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 đã hồi phục khá mạnh, tăng 1,19 USD, tương ứng 1,4%, lên 86,89 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Tuy nhiên, tới sáng nay (theo giờ Việt Nam), vàng đen đã quay đầu giảm giá khá nhiều và hiện vẫn đang theo chiều xuống.

Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, lượng nhà khởi công trong tháng 8 giảm 5% xuống mức thấp nhất 3 tháng, với 571.000 căn. Điều này cho thấy, thị trường nhà đất Mỹ vẫn đình trệ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay. Thông tin này không tác động nhiều tới các thị trường hàng hóa quốc tế.

Tuy nhiên, cùng với những thông tin trước đó về chỉ số niềm tin tiêu dùng, lạm phát, giới phân tích ngày càng tin rằng, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đưa ra nhiều biện pháp mới, như QE3, để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Dự kiến, FED sẽ công bố những điều này trong ngày hôm nay (21/9).

Một yếu tố khác được cho sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn tới việc dự báo xu hướng thị trường vàng, là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua cho biết nền kinh tế toàn cầu hiện yếu kém hơn nhiều so với dự đoán cách đây vài tháng và năm tới cũng sẽ chỉ tăng trưởng đôi chút.

IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu xuống còn 4% cho năm 2011 và 2012, cho rằng hoạt động kinh tế "suy giảm đáng kể," đồng thời cảnh báo nguy cơ tái suy thoái nếu các nhà lãnh đạo phương Tây không thể đưa nền kinh tế nước mình trở lại đúng quỹ đạo.

Về khu vực các nền kinh tế đang phát triển, IMF dự báo tăng trưởng năm nay ở mức 6,4% và 6,1% trong năm sau, giảm so với 6,6% và 6,4% trong dự báo trước. Trong khi, các nước giàu sẽ tăng trưởng chỉ 1,6% trong năm nay thay vì 2,2% như dự báo tháng 6, và 1,9% trong năm sau.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2011 được dự báo ở mức 1,5%, thấp hơn so với mức 2,5% trong tháng 6. Khu vực đồng Euro được IMF dự báo tăng trưởng 1,6% trong năm nay và 1,1% trong năm sau, ngoài ra cần bơm thêm vốn cho các ngân hàng và tái cấu trúc hay đóng cửa một số ngân hàng là cần thiết.

IMF khuyến cáo các nền kinh tế mới nổi cần chuẩn bị tinh thần đối phó với các nguy cơ suy thoái kinh tế như tại những nước phát triển, theo đó đẩy mạnh quá trình củng cố cơ sở tài chính trước khi các nhân tố mang tính chu kỳ hay sự lây lan từ các nền kinh tế phát triển ảnh hưởng tiêu cực tới mình.

IMF cũng hạ mức dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc, cho rằng tình hình bất ổn tài chính tại Châu Âu và Mỹ, cùng với chính sách chống lạm phát liên tục, sẽ gây thiệt hại lớn.

Cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế các khu vực, chuyên gia kinh tế hàng đầu của tổ chức này, Olivier Blanchard, còn nhận định rằng, thế giới đang bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm, sự hồi phục kinh tế đã giảm sút đáng kể. Hiện thế giới cần có những chính sách kinh tế mạnh mẽ để cải thiện tình trạng hiện nay và giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng.

Theo nhận định của giới phân tích, dự báo của IMF sẽ có tác động tới thị trường vàng, khi mà hầu hết các giám đốc điều hành (CEO) trong ngành khai mỏ thế giới đều có chung nhận định rằng giá vàng còn tăng và sẽ đạt mức 2.000 USD/ounce trong năm 2012, do các nhà đầu tư đổ xô mua vào kim loại quý này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

Về phía châu Âu, mối nguy vỡ nợ tại Hy Lạp đã dịu bớt, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, Hy Lạp đã đạt được tiến triển trong đàm phán về những cải cách tài chính mới với quan chức tiền tệ từ EC, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Theo EC, Hy Lạp đã đạt được tiến triển tốt, và các cuộc thảo luận kỹ thuật sẽ tiếp tục tại Athens trong những ngày tới.

Athens đang chịu áp lực ngày càng tăng phải đưa ra các cam kết cắt giảm thâm hụt ngay cả khi nền kinh tế đứng trước năm thứ 4 suy thoái. Lợi suất trái phiếu 10 năm tăng 2 điểm cơ bản lên 23,24%, trong khi lợi suất trái phiếu 2 năm tăng 28 điểm cơ bản lên 64,18%. Trước khi hội đàm diễn ra, lợi suất trái phiếu 2 năm đã tăng 6,25 điểm %.

Cũng trong ngày hôm qua, Chính phủ Hy Lạp bác tin về một cuộc trưng cầu dân đã được lên kế hoạch, xem Hy Lạp có nên rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng hiện nay hay không. Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý này không bàn về việc rút khỏi khu vực đồng Euro.

Trước đó, trang web của báo tiếng Anh Kathimerini cho biết Hy Lạp có khả năng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Eurozone, như một giải pháp nhằm củng cố vai trò của chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khi vẫn sử dụng đồng euro hoặc rút khỏi khu vực đồng tiền chung này.

Cho dù những mối lo lắng về khả năng Hy Lạp vỡ nợ đã tạm dịu bớt, nhưng theo giới phân tích, việc Hy Lạp có sớm nhận được gói cứu trợ mới hay không vẫn là điều chưa rõ ràng. Lãnh đạo các nước châu Âu vẫn đang tranh cãi về việc đưa ra gói 8 tỷ Euro cho Hy Lạp, trong bối cảnh bất kỳ tiền giải ngân đợt mới nào cũng chỉ có thể giúp Hy Lạp cầm cự đến cuối năm 2011.

Nói một cách khác, ngoài yếu tố dự đoán FED sẽ tung ra QE3, thì việc Hy Lạp thoát hiểm họa vỡ nợ đến nay cũng vẫn chỉ là những lời nhận định, hoàn toàn thiếu vắng những thông tin xác thực và sự biến động của các thị trường hàng hóa vẫn chủ yếu dựa vào trạng thái tâm lý của nhà đầu tư, điều không mấy ai mong muốn.
Theo Hồng Ngọc (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.