CafeLand - Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mạnh dựa trên nền tảng quy mô dân số lớn. Tuy nhiên, thị trường này sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong năm 2020, trong đó nổi bật là chi phí thuê mặt bằng kinh doanh.

Tốc độ tăng trưởng mạnh

Ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như chất lượng phục vụ. Tốc độ tăng trưởng tăng mạnh với số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tăng vọt theo từng năm, lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước chỉ trong vài năm trở lại đây.

Theo một báo cáo mới đây của Vietnamreport, nếu như vào năm 2010 trên thị trường cả nước mới có khoảng 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại, thì đến năm 2017 con số này đã lên tới 957 siêu thị, 189 trung tâm thương mại, cộng với hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển “nhảy vọt” ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Mặc dù vậy, doanh thu lĩnh vực bán lẻ hiện đại của Việt Nam đạt khoảng 25% tổng mức bán lẻ trong khi đó Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60% và Singapore 90%.

Như vậy, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ngày càng tăng lên và dân cư đô thị chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng dân số.

Theo tính toán của Vietnamreport, trung bình cứ 100.000 dân cần có một siêu thị cỡ lớn hoặc một trung tâm thương mại, 10.000 dân cần một siêu thị cỡ trung bình, hoặc 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Với mức này thì số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất xa mới có thể đáp ứng nhu cầu của ngành bán lẻ hiện đại.

“Đây chính là thời cơ thuận lợi để các doanh nghiệp bán lẻ đang kinh doanh trên thị trường Việt Nam tiến hành các hoạt động mở rộng thị phần, mở rộng địa bàn kinh doanh”, đơn vị này nhận định.

Theo đánh giá của tổ chức ESP Capital về tình hình đầu tư mạo hiểm vào startup, chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2019, các startup ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam đã kêu gọi được số tiền lên đến 89 triệu USD, đạt gần 90% giá trị vốn đầu tư mà các startup đã gọi thành công trong cả năm 2018.

Báo cáo của Vietnamreport cũng cho thấy, doanh thu bán lẻ ghi nhận có sự gia tăng ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, nhưng mức tăng trưởng mạnh nhất thuộc về khu vực TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, số lượng siêu thị tại thị trường TP.HCM và Hà Nội đều có mức tăng trưởng đạt khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính tại thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam có hơn 8.000 khu chợ truyền thống, 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi trải rộng trên khắp địa bàn cả nước, đạt mức tăng gấp đôi so với hai năm về trước. Trong vài năm trở lại đây, cửa hàng tiện lợi là kênh bán lẻ hiện đại, phổ biến đối với người tiêu dùng (đặc biệt là nhóm người tiêu dùng trẻ).

Mặc dù vậy, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường của các vùng đô thị lớn, chi phí kinh doanh tăng cao làm cho nhiều doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu ngắn hạn ở khu vực thành thị cũng đang dần bão hòa.

Giá thuê mặt bằng tăng cao

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các tên tuổi lớn góp mặt trên thị trường bán lẻ hiện đại như Vingroup, Big C, Aeon Mall, Lotte... cho thấy sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ đang tăng dần.

Theo nhận định từ phía Công ty Niesel Việt Nam, các loại hình như bán hàng đa kênh, kết hợp giữa online trên nền tảng Internet và các kênh giao hàng nhanh cũng như các kênh offline truyền thống cũng vẫn là các xu thế chủ đạo và trở thành định hướng lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục phát triển kinh doanh trong tương lai.

Thêm nữa, sự tác động của làn sóng công nghệ 4.0 thông qua mạng xã hội đến thị hiếu người tiêu dùng buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải liên tục thay đổi, nâng cấp mạng lưới nếu muốn tồn tại trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.

Vietnamreport dự báo, ngành bán lẻ hiện đại tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình phát triển của ngành sẽ có sự phân hóa trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Cụ thể, dưới sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp có chi phí hoạt động ở mức cao hơn trung bình ngành sẽ dần “tụt lại” phía sau trong khi các doanh nghiệp có mặt bằng chi phí hoạt động thấp sẽ ngày càng lấn lướt.

Thị trường bán lẻ hiện đại đang có sự đan xen thị phần, sẽ dần hình thành các doanh nghiệp lớn mang tính chi phối, dẫn dắt thị trường. Cơ hội tham gia vào thị trường bán lẻ rất lớn nhưng sự bão hòa ngắn hạn sẽ xảy ra cục bộ do số lượng cửa hàng mở mới đang quá nhanh tại một số địa phương trong khi sức mua của người tiêu dùng chưa thể tăng tương ứng.

Bên cạnh đó, ngành bán lẻ hiện đại vấp phải sự cạnh tranh với mô hình chợ truyền thống và tiệm tạp hóa. Thị trường này cũng sẽ gặp phải một số thách thức nhất định trong tương lai.

Điển hình là chi phí thuê mặt bằng kinh doanh tại Việt Nam đang trên đà tăng (đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội) đã làm các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư cao nhưng thu hồi ngày càng chậm. Quy hoạch mạng lưới các đô thị vệ tinh chưa rõ ràng nên doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn khi tốc độ mở rộng mặt bằng bị chậm do chi phí thuê tăng cao.

Mặt khác, tình trạng quản lý ngành bán lẻ hiện đại nói riêng và bán lẻ nói chung đang được “thả nổi” tại nhiều địa phương. Chưa có quy hoạch phát triển cụ thể dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, hoặc nơi thì tập trung quá nhiều điểm bán, nơi thì lại thưa vắng. Thiếu quy hoạch dẫn đến các doanh nghiệp triển khai kế hoạch kinh doanh bị thụ động.

  • Bán lẻ cạnh tranh, bất động sản hưởng lợi

    Bán lẻ cạnh tranh, bất động sản hưởng lợi

    CafeLand – Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực Đông Nam Á khi các doanh nghiệp nội và ngoại đua nhau chiếm lĩnh thị trường. Chính vì vậy mà giá thuê mặt bằng ở phân khúc này cũng đã tăng đáng kể.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.