Trước thông tin giá điện, than… sẽ tăng trong thời gian tới và thực tế một loạt rổ hàng hóa tiêu dùng đã tăng “như vũ bão” trong những ngày đầu xuân vừa qua, tổ chức nông – lương Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định, sự leo thang của giá thép rất có thể sẽ làm “ngọn lửa” lạm phát bùng cháy. Vậy giá thép có thể tăng đến mức nào ? Chủ tịch Hiệp hội thép VN Phạm Chí Cường trao đổi cùng báo chí.

Ông Cường cho biết, ngay đầu năm các DN thép phải đổi mặt với giá nguyên liệu tăng. Theo xu hướng của thế giới, khi bắt đầu chuyển sang năm mới, các DN ký hợp đồng mua nguyên liệu cho cả năm. Trong khi đó, xuất khẩu nguyên liệu cho ngành thép lại chỉ tập trung vào hai nước là Brazil và Australia. Ba “trùm” của nước này chiếm 75% sản lượng quặng của thế giới, chi phối giá nguyên liệu cả ngành công nghiệp thép thế giới. Ngay những thị trường mạnh như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đều nhập 100%

Trung Quốc cũng là nước có nguyên liệu nhưng cũng phải nhập gần 260 triệu tấn quặng/năm.

- Nhưng mình đâu có nhập quặng, thưa ông ?

Mình không nhập quặng nhưng nhập phôi, thép phế, đó là bán thành phẩm, phụ thuộc vào giá nguyên liệu, ngay từ tháng 1 đã tăng 30 – 50%. Vì vậy giá thép tăng là điều đã biết trước. Nhưng vẫn bất ngờ...

- Bất ngờ bởi thông tin về tăng giá điện, thưa ông ?

Tăng giá thép cuối năm 2010 vẫn chưa bù đủ mức tăng giá đầu vào của nguyên liệu luyện thép, vì thế các cty kinh doanh dự báo giá thép sẽ còn tăng nên họ tiếp tục mua thép để đón đầu, chờ giá lên.

- Thưa ông, DN “găm” hàng như vậy, liệu có một cơn “sốt ảo” không ?

Hiện lượng thép sản xuất trong nước tháng 1/2011 là 462.571 tấn, so với tháng trước giảm 0,85%, so với cùng kỳ 2010 tăng 14,82%; Lượng thép xây dựng bán ra của các Cty đạt 469.189 nghìn tấn, so với tháng trước tăng 7,2%, so với cùng kỳ 2010 tăng 34,99%

Tồn kho tính tới 31/1/2011 của các Cty trong HH thép là 317.551 tấn. Lượng phôi chuẩn bị cho tháng 2 ước 490.000 – 510.000 tấn. Như vậy thị trường không lo thiếu thép. Vì thế sẽ không thể có sốt ảo.

- Thực tế, giá bán thép xây dựng trong nước tháng 1 đã tăng 500.000 – 1 triệu đồng/tấn so với tháng 12/2010 – cũng là mức tăng đáng kể, trước khi có thông tin điện sẽ tăng giá ?

Thực tế, giá điện trong cơ cấu giá thành 1 tấn thép chỉ chiếm khoảng 10% - và tương đối ổn định, còn giá thép biến động chủ yếu phụ thuộc vào sự biến động giá thép phế, giá nguyên liệu, tỷ giá, lãi suất...

Về tỷ giá, thực ra đối với ngành thép các DN chấp nhận tỷ giá 20.900 – 21.000 đ/USD từ mấy tháng trước rồi chứ không phải đến 12/2 khi công bố mới chấp nhận tỷ giá mới. Như vậy không phải các DN thép “đón chờ” thông tin tăng tỷ giá để tăng giá. Nhưng các DN ngại rằng, khi nâng tỷ giá chính thức liên ngân hàng thì giá chợ đen leo cao, nhất là khi dự trữ ngoại tệ của VN mỏng, không vay được của ngân hàng, không mua được của ngân hàng, buộc phải chấp nhận chợ đen. Hoặc nếu mua được chính thống của NH TM thì buộc phải có các phí chui, không minh bạch, nhưng vẫn phải chịu.

Trường hợp kể cả nếu không dùng ngoại tệ mà dùng nội tệ, dùng vốn lưu động trả lương công nhân, thanh toán chi phí... thì lãi suất vay ngân hàng phổ biến ở mức 16 – 18% là quá sức chịu đựng.

Nếu giá điện có tăng như phương án 18% thì cũng không ảnh hưởng quá lớn, khoảng 3 - 5% trong cơ cấu giá thành. (Tính trung bình mất khoảng 600 kWh cho 1 tấn sản phẩm thép)

Còn những cái nguyên liệu đầu vào như điện, than, xăng dầu... thì chi phí đầu vào này không chỉ của ngành thép.

- Nhưng ngành điện vẫn luôn “đổ” cho ngành thép là ngành tiêu hao điện nhiều. Thậm chí “lợi dụng” giá năng lượng rẻ để xuất khẩu ?

Nói như vậy là oan cho thép. Năm vừa rồi ngành thép xuất khẩu được 1,3 triệu tấn. Nhưng thực ra, 1,3 triệu tấn thép xuất khẩu đó chủ yếu những chủng loại thép không tiêu hao nhiều năng lượng. Trong đó, gần 1 triệu tấn là thép gia công, tái xuất như cuộn cán nguội, có khoảng nửa triệu tấn của Posco, thép ống..., chỉ tiêu hao 100 kWh/tấn thôi, chứ không phải là 600 kWh/tấn như nhiều người nói. Hơn nữa, trong nước, công suất sản xuất thép đều gần gấp đôi so với nhu cầu nên các doanh nghiệp thép buộc phải xuất khẩu, chứ không phải họ tận dụng giá điện rẻ để xuất khẩu.

Năm 2010, ngành thép nhập siêu tới hơn 5,5 tỷ USD, nhập khẩu hơn 6,5 tỷ USD và xuất hơn 1 tỷ USD. Nếu không xuất khẩu thì ngành thép sẽ làm nặng thêm nhập siêu của quốc gia.

- Còn quan điểm ngành thép là ngành tiêu hao nhiều điện nhất, có “oan” không, thưa ông ?

Cả nước ta hiện có 32 nhà máy đang luyện cán thép thì chỉ có 4 nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại của các nước G7. Đó là thép Việt Ý, thép Việt, TCty thép VN, Hòa Phát, đều đầu tư xây dựng sau năm 2005. Chúng ta cũng chỉ có 10 nhà máy công nghệ trung bình, có cải tiến rồi và hiện vẫn phải cải tiến tiếp mới đạt mức tiên tiến của thế giới. Còn lại, 18 nhà máy có công nghệ rất lạc hậu, công suất sản xuất thép nhỏ, khoảng 10-20 vạn tấn/năm, có cả của nhà nước và tư nhân, xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Chênh lệch về tiêu hao nhiên liệu, năng lượng giữa 2 “cấp” công nghệ thép là rất lớn. Ví dụ, ở 4 nhà máy thép hiện đại trên, khi cán thép, họ chỉ tiêu hao 30 lít dầu/tấn, thì các nhà máy lạc hậu, vẫn có nơi tiêu hao tới 60-70 lít dầu/tấn. Về điện cũng vậy, một lò luyện hiện đại chỉ tiêu hao 350 - 400 kWh/tấn, nhưng song song với đó, vẫn tồn tại những nhà máy tiêu hao tới 600 kWh/tấn.

Thực tế là hiện nay nhiều DN vẫn được bao cấp về điện. Chính vì thế với mức tiêu hao năng lượng gấp đôi như thế, chưa có nhà máy nào bị phá sản. Nhưng trước sau gì thì không thể kéo dài mãi chuyện bảo hộ đó được.

Nếu lạc hậu thì phải tái cơ cấu, không đủ sức thì phải bán đi. Trên thực tế, nhà máy thép Đình Vũ đã bán cho thép Úc rồi, một số nhà máy thép khác do công nghệ kém, không cạnh tranh nổi cũng đang rao bán. Đó là một xu hướng tất yếu của ngành thép nếu muốn tồn tại. Nhất là tương lai 4 năm tới, thuế thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào VN là 0%, các doanh nghiệp thép VN không chịu cải tiến để hạ giá thành thì khó cạnh tranh được.

- Vậy quan điểm của ông như thế nào trước việc Chính phủ đồng ý phương án tăng giá điện từ tháng 3/2011 ?

Cá nhân tôi cũng ủng hộ chuyện tăng giá điện. Nếu không tăng giá điện thì không thể nào đóng cửa những nhà máy lạc hậu. Tôi nghĩ rằng, điện cũng như thép, cũng là ngành sản xuất kinh doanh, phải đủ chi phí, Nhà nước không bù lỗ mãi được. Nhưng giá điện tăng cần có lộ trình, từng bước, đừng gây sốc cho thị trường, đừng tăng giá thế nào mà để phá sản cả một ngành thì sẽ ảnh hưởng kinh tế - xã hội nhiều.

Riêng đối với ngành thép, việc tăng giá điện sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp không ỷ lại vào bao cấp, phải cải tiến kỹ thuật.

- Nhưng nhiều người lo ngại, khi giá điện cao, trong bối cảnh nhiều mặt hàng đầu vào khác tăng giá như hiện nay, giá thép rất dễ “tát nước theo mưa” ?

Theo tôi là không thể vì có hai nguyên nhân. Thứ nhất, nếu tăng đủ bù giá đầu vào thì mỗi lần thép không chỉ tăng 500 – 600 nghìn đồng/tấn mà sẽ tăng hàng triệu đồng/tấn. Ví dụ, tỷ giá liên ngân hàng tăng gần 2.000 đ/USD, giá mua phôi 680 USD/tấn, thì giá thép phải tăng 1,2 triệu đồng. Nhưng có ai tăng nổi 1,2 triệu đồng/tấn thép vì tỷ giá đâu. Mà phải tăng từ từ, xem thị trường có chấp nhận hay không ? Bởi nếu tồn kho 1 tháng thì DN trả lãi ngân hàng cũng “toi” vì vốn thép lớn, vốn nguyên liệu cũng lớn.

Thứ hai, nếu tăng giá quá cao, thì sẽ bị chia sẻ thị phần. Với mức thuế nhập khẩu 0% hiện nay cho các nước Đông Nam Á, và 7 – 8% thuế nhập khẩu với Trung Quốc, chỉ nửa ngày thép đã đến VN.

- Nhiều Cty kinh doanh dự báo giá thép sẽ còn tăng nên tiếp tục mua thép để đón đầu, chờ giá lên.

- Đến tháng 3, có thể thép sẽ tăng 500 – 600 nghìn đồng/tấn.

- Việc tăng giá điện sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp thép phải cải tiến kỹ thuậtvà đảo thải công nghệ lạc hậu.

Thực tế đâu xa, ngay ngành thép cuộn Đông Nam Á và Trung Quốc hiện đã chiếm của ta hơn 20% thị phần, mình chỉ còn 17% (trước đây DN trong nước chiếm hơn 30% thị phần). Như vậy, dù có tác động bất lợi, giá thép cũng không thể tăng vọt để bù chi phí.

- Dự đoán của ông cụ thể thép có thể lên tới cỡ nào ?

Tôi đã từng dự đoán giá thép năm nay vẫn biến động, tuy nhiên với biên độ không bằng 2010. Tuy nhiên, thời điểm này nhận định này cõ lẽ đã lạc hậu vì những tháng đầu năm một loạt yếu tố bất lợi bất ngờ.

Đến tháng 3, cứ cho điện tăng 20%, chủ quan tôi dự đoán thép tăng tăng bét cũng 500– 600 nghìn đồng/tấn chứ cũng không thể tăng quá, biên độ cũng 9% cũng là cao hơn năm ngoái rồi.

- Xin cảm ơn ông !

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland