07/09/2010 6:55 AM
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 8/2010 giá thép xây dựng sẽ chững lại do lượng tiêu thụ giảm. Sang tháng 9, giá bán của mặt hàng này mới tăng trở lại. Song, diễn biến trên thị trường đã đi ngược lại với các dự báo trên.

Sau khi tăng giá tới 1,3 triệu đồng/tấn vào tháng 7/2010, bước sang tháng 8, giá thép được dự báo là sẽ chững lại do ảnh hưởng của mưa bão, các công trình xây dựng không thể đẩy nhanh tiến độ.

Nhưng tháng 8 vừa qua, cả giá bán và lượng thép tiêu thụ đều tăng mạnh so với dự báo của VSA. Chỉ trong một tháng, các công ty thép đã điều chỉnh tăng giá bán thêm từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn. Thép xây dựng được các nhà máy bán ra phổ biến ở mức 13,3- 13,9 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Theo ước tính của VSA, tháng 9 lượng thép tiêu thụ sẽ vào khoảng 460 nghìn tấn.

Giá tăng mạnh đã khiến lượng tiêu thụ mặt hàng này cũng tăng đáng kể trong tháng qua, lên mức khoảng 460 nghìn tấn, cao hơn khá nhiều so với mức dự báo là 350- 400 nghìn tấn trước đó.

Tiếp tục đi ngược lại dự báo, những ngày đầu tháng 9, thay vì tăng, giá thép trên thị trường lại có dấu hiệu chững. Hầu hết các nhà máy vẫn giữ nguyên giá bán hồi tháng 8. Có nhà máy mặc dù không giảm giá bán, nhưng lại tăng chiết khấu cho các đại lý.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA, nguyên nhân khiến giá thép không tăng những ngày đầu tháng 9 là do những ngày qua, giá phôi thép trên thế giới chỉ còn khoảng 600 USD/tấn, giảm đáng kể so với mức giá 610- 630 USD/tấn hồi trung tuần tháng 8. Thép phế từ mức 420 USD/tấn, cũng giảm xuống chỉ ở mức 400- 405 USD/tấn.

Tuy vậy, “Hiện nay 45-47% phôi thép và 70- 80% thép phế nước ta vẫn phải nhập khẩu, nên biến động của giá thế giới thời gian tới sẽ tác động nhiều đến giá bán của mặt hàng thép xây dựng trong nước”, ông Nghi nhìn nhận.

Về lượng thép tiêu thụ trong tháng này, theo ước tính của VSA cũng chỉ ở mức tương đương tháng 8, tức khoảng 460 nghìn tấn.

Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland