Sau một thời gian bình ổn, giá thép và phôi thép thế giới tăng mạnh khiến thị trường thép nội địa “nóng” trở lại. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND đang ở mức cao cùng với chi phí sản xuất tăng khiến các nhà sản xuất buộc phải nâng giá bán.


Thép quốc tế tăng do nhu cầu và chi phí sản xuất

Giá thép và phôi thép trên thị trường thế giới đồng loạt tăng trong tuần đầu tháng 11/2010 do nhu cầu của một số khu vực Trung Đông và châu Phi. Đặc biệt là Iran là quốc gia đang có nhu cầu rất lớn

Hiện giá phôi Biển Đen, FOB, tuần qua dao động từ 550 – 560 USD/tấn, tăng 20 USD so với tuần cuối tháng 10. Giá thép phế liệu tại Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những quốc gia tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép dài nhiều nhất thế giới – tăng 15 USD lên 390 – 400 USD/tấn.

Tại Thượng Hải, giá thép xây dựng tuần qua ở 4.290 NDT, tức 642,7 USD/tấn, tăng 3% so với tuần cuối tháng 10, sau khi giá duy trì ổn định trong 2 tuần trước đó.Giá thép thanh vằn giao kỳ hạn tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng, ở 4.606 NDT/tấn.

Theo các chuyên gia, ngoài nhu cầu tăng trở lại, nguyên nhân tiếp theo đẩy giá phôi thép tháng 11 tăng trong khi kinh tế toàn cầu hồi phục chậm, sức tiêu thụ vẫn yếu là do các nhà sản xuất đẩy lên. Đồng thời, các biện pháp thắt chặt trên thị trường bất động sản ở một số nước như Trung Quốc sẽ tiếp tục có tác động lớn đến thị trường thép và giá thép sẽ tiếp tục tăng bởi chi phí liên tục cao trong đó có bao gồm cả quặng sắt tăng.

Nguồn cung quặng sắt từ Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn thứ ba sang Trung Quốc, đã bị thắt chặt bởi chính phủ đề ra mục tiêu giữ quặng cho các các cơ sở thép trong nước. Giá quặng giao ngay Ấn Độ bán sang Trung Quốc đã ở trên 160 USD/tấn, C&F, trong tuần trước.

Tại Trung Quốc, giá thép tăng trong tuần qua bởi chính sách kìm hãm sản lượng ở một số tỉnh sản xuất chủ chốt. Khi Chính phủ Trung Quốc tiếp tục yêu cầu cắt giảm tiêu thụ năng lượng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành thép, đã đẩy giá lên. Bên cạnh đó, giá quặng sắt cao hơn cũng khiến các công ty ở tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông của Trung Quốc tiếp tục hạn chế sản xuất. Ngoài ra, quyết định nâng giá các sản phẩm thép xây dựng thêm 80 NDT/tấn trong tháng 11 của công ty Sắt Thép Hà Bắc – công ty có sản lượng lớn nhất Trung Quốc năm 2009– cũng khiến giá tăng lên.

Giá thép nội tăng do tác động của thế giới và tỷ giá

Nằm trong guồng tăng của thị trường thế giới, giá thép trong nước so với cuối tháng 10, hiện đã tăng từ 150.000 – 300.000 VNĐ/tấn.

Ngày 15/11, Tổng Công ty Thép Việt Nam (Văn phòng phía Nam) đã điều chỉnh giá thép tăng 300.000 đồng/tấn. Cụ thể, thép cuộn có giá bán giao tại nhà máy từ 14,52 triệu - 14,81 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế GTGT), thép cây từ 14,57 triệu - 15,27 triệu đồng/tấn. Cùng ngày, một số hãng thép Vina Kyoei, Pomina... cũng điều chỉnh giá thép tăng tương tự.

Việc tăng giá thép trong nước ngoài ảnh hưởng của thị trường thế giới còn bị tác động bởi tỉ giá USD đang ở mức khá cao làm cho phí đầu vào của sản xuất thép tăng theo. Nếu thời gian tới, tỉ giá USD trên thị trường vẫn giao động quanh mức 21.000 đồng/USD thì các công ty thép cho biết, họ sẽ phải điều chỉnh giá tăng thêm khoảng 600.000 đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sự tăng giá mạnh của USD so với VND đã khiến giá phôi thép từ mức 12 triệu đồng/tấn tăng lên 13 triệu đồng/tấn. Cộng thêm 1,5-1,7 triệu đồng chi phí gia công, hiện giá thành của mỗi tấn thép là khoảng 14,5 triệu đồng.

Về phía nhà sản xuất, đại diện một công ty thép, giá phôi thép thế giới đang tăng cộng tỷ giá VND/USD đang cao, thêm các chi phí đầu vào của ngành thép như quặng, than cốc… tăng nên giá thép có thể phải đẩy lên nữa.

Theo thống kê của VSA, trong tháng 10 lượng thép xây dựng tiêu thụ đạt mức trên 400.000 tấn. Do đó dự đoán hai tháng cuối năm lượng thép tiêu thụ cũng chỉ ở mức tương đương của tháng 10, tức là khoảng trên 400.000 tấn/tháng.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland