17/06/2011 1:44 AM
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá thép liên tục tăng cao trong thời gian qua một phần là do hệ thống phân phối có vấn đề. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ tốt hơn nữa để đảm bảo đầu ra, giữ vững được vị trí điều tiết thị trường.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, đây là việc làm không dễ dàng, bởi phát triển kênh phân phối bán lẻ tốn kém, mất thời gian.

Xin ông cho biết, nguyên nhân nào đã dẫn đến việc phân phối thép không hiệu quả?

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp tư nhân không có hệ thống tiêu thụ trực tiếp mà bán hàng thông qua các công ty cấp I, nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất chỉ biết sản xuất mà không chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình.

Khi hàng ra khỏi cổng nhà máy giá thép đã được bán với một giá khác, sau đó tiếp tục qua các đại lý các cấp khác nhau. Cứ thế, giá bị đẩy lên do mỗi trung gian đẩy một ít để kiếm lợi nhuận.

Mấy năm trước đây Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) có hệ thống phân phối ở các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Nhưng bước sang năm 2010, 2011, nhận thấy việc duy trì hệ thống bán hàng trực tiếp không hiệu quả nên công ty này đang có xu hướng co lại và chỉ còn làm công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm mà thôi.

Tôi được biết, Bộ Công Thương rất mong muốn có được những hệ thống bán hàng như của Tisco trước đây vì sẽ khống chế được giá bán. Nhưng trên thực tế, điều này rất khó khăn và hầu như không thể thực hiện được. Do thị trường biến đổi liên tục, giá cũng lên xuống theo và mỗi lần như vậy thì phải kiểm kê, mà với hệ thống nhiều cửa hàng như vậy thì rất khó điều hành, không những vậy còn gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Các công ty nước ngoài hay liên doanh như Việt - Úc (Vinausteel), Việt Hàn (VPS), Posco (Hàn Quốc) là những doanh nghiệp rất có kinh nghiệm về thị trường, nhưng họ vẫn sử dụng biện pháp có lợi nhất là mua đứt bán đoạn. Với biện pháp này, họ giảm được tối đa rủi ro về nguồn vốn.

Những năm trước đây hệ thống phân phối của Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) cũng có ba công ty lớn là Kim khí Hà Nội, Kim khí miền Trung và Kim khí Tp.HCM. Ban đầu đã có ý định kết hợp giữa sản xuất và phân phối nhưng trên thực tế không làm được mặc dù trong cùng hệ thống VNSteel. Nguyên nhân là do lãi thấp mà rủi ro lại cao. Thậm chí, có trường hợp bán hàng xong mà không thu hồi được vốn.

Do hệ thống phân phối yếu kém mà nhà sản xuất và người tiêu dùng không tìm đến được với nhau. Kết quả là người tiêu dùng phải mua sản phẩm với giá cao hơn giá của nhà sản xuất. Ông nói gì về điều này?

Như tôi đã đề cập ở trên, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều không muốn bán trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là đối với các doanh nghiệp tiêu thụ thép lớn, vì không thể thu hồi vốn ngay được.

Ngược lại, chính người tiêu dùng cũng không muốn mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, vì không gửi được giá (không được hưởng % chênh lệch), trong khi đó khi mua ở các đại lý ngoài sẽ gửi được giá và qua đó có thể bù đắp vào các khoản chi phí khác (mỗi doanh nghiệp để có được một dự án thì phải mất rất nhiều khoản chi phí). Đây cũng chính là cơ hội để các công ty cấp 1, 2, 3, 4... rồi đến các cửa hàng bán lẻ của tư nhân phát triển.

Ông có cho rằng hệ thống phân phối yếu kém có thể dẫn đến việc bị doanh nghiệp phân phối nước ngoài thôn tính cả hệ thống bán sỉ, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa hội nhập?

Điều này cũng rất dễ xảy ra. Mặc dù, việc khắc phục yếu kém của hệ thống phân phối đã được đề cập đến không ít lần nhưng vì nhiều lý do mà cho đến nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Theo tôi, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Hiện nay, sàn giao dịch hàng hóa được coi là giải pháp hiệu quả. Theo ông thực tế có như vậy không?

Tôi cho rằng đây là một xu hướng rất khả thi, nơi đây sẽ công khai minh bạch được mọi thứ. Tuy nhiên để thực hiện được điều này không dễ, bởi cho đến nay vẫn không doanh nghiệp nào muốn tham gia.

Mặc dù đã được cấp phép hoạt động gần một năm nay, sàn giao dịch Triệu Phong (sàn giao dịch Việt Nam) đã có 3 mặt hàng là cà phê, cao su và thép, nhưng trên thực tế mới làm được một chút cà phê còn lại là cao su và thép thì vẫn chưa làm được, bởi cả người bán lẫn người mua không muốn tham gia vào đây.

Theo tôi, để sàn giao dịch hàng hóa thật sự có hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống. Nếu có sàn giao dịch mà không có hàng hóa, không có người mua người bán thì không thể hoạt động được. Đó mới là các gốc, mà điều này thì không biết đến bao giờ mới giải quyết được.

Theo ông, để xây dựng hệ thống phân phối hoàn chỉnh, cũng như để sàn giao dịch hàng hóa phát huy hiệu quả cần phải làm gì?

Để xây dựng được hệ thống hoàn chỉnh thì việc đầu tiên phải minh bạch. Cùng với đó, Chính phủ cần phải ủng hộ bằng các cơ chế, chính sách, chủ trương để giải quyết các khó khăn khi các sàn giao dịch đi vào hoạt động. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch này cảm thấy yên tâm. Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng cụ thể.

Theo Nguyễn Mạnh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.