Bộ Xây dựng vừa có kiến nghị Chính phủ cho phép được điều chỉnh tổng mức đầu tư do chính sách, chế độ, giá cả đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi, kéo dài thời gian thực hiện dự án dẫn đến vượt tổng mức đầu tư của dự án.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, với mức biến động đó thì nguồn dự phòng phí đã tính trong tổng mức đầu tư của dự án theo quy định hiện hành không thể đủ để bù đắp được mức trượt giá này (mức dự phòng phí bình quân năm cho yếu tố trượt giá chỉ vào khoảng tối đa 10%).
Giá nhà sẽ đội lên do giá vật liệu tăng?
Trình độ tư vấn, chủ đầu tư cũng còn nhiều hạn chế nên trong quá trình lập, thẩm định dự án tính chưa đúng, chưa đủ tổng mức đầu tư theo quy định.
Theo bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân chính gây chậm tiến độ thực hiện dự án, vượt tổng mức đầu tư của dự án trong thời gian vừa qua là do hiện nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của đa số các dự án đều gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc.
Trong đó, chính sách, chế độ, giá cả đền bù luôn thay đổi làm chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, tỷ giá ngoại tệ và chế độ, chính sách về tiền lương có sự biến động lớn trong quá trình thực hiện dự án đã làm vượt tổng mức đầu tư.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành về quản lý dự án và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì các nguyên nhân dẫn đến vượt tổng mức đầu tư nêu trên không phải là các điều kiện được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, hạn chế lãng phí trong đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chính thức đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Cụ thể, đối với những dự án đang triển khai thực hiện, nếu điều chỉnh giá dự toán, giá gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và tiền lương tối thiểu từ ngày 01/01/2011 mà làm vượt tổng mức đầu tư thì cho phép chủ đầu tư thực hiện biện pháp giảm chi phí như điều chỉnh lại thiết kế, thay đổi chủng loại vật liệu, cắt giảm những hạng mục không cần thiết, thay đổi biện pháp thi công…
Sau khi chủ đầu tư đã áp dụng các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình nêu trên mà vẫn dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì cho phép được điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.
Tương tự đối với các hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư và nhà thầu rà soát, thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí như thay đổi chủng loại vật liệu, cải tiến biện pháp thi công đối với những khối lượng chưa thực hiện.
Sau
khi đã áp dụng các giải pháp nêu trên, nếu vẫn còn vượt giá hợp đồng
thì cho phép được điều chỉnh giá một số loại nguyên, nhiên, vật liệu xây
dựng chủ yếu có biến động giá lớn và điều chỉnh chi phí nhân công do
điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 01/01/2011 (chỉ điều chỉnh đối với
khối lượng xây lắp thực hiện từ 01/01/2011), hoặc có thể cho chuyển từ
hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang
hình thức giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Việc chuyển đổi hình thức giá hợp đồng chỉ áp dụng đối với các hợp đồng đã ký kết mà chưa triển khai thực hiện.
Theo
một số chuyên gia xây dựng, do thị trường BĐS đang đóng băng nên trước
mắt giá nhà chưa thể tăng. Nhưng trong tương lai không xa, giá nhà xây
dựng sẽ tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đã tăng quá nhiều...