05/02/2023 3:06 PM
Thị trường bất động sản suy yếu gây ra một rủi ro khác cho nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất cao hơn làm xói mòn tài chính hộ gia đình và có thể khiến giá nhà tiếp tục đi xuống.

Các báo cáo trong tuần này cho thấy tình trạng sụt giảm giá nhà tại Mỹ đã kéo dài sang tháng thứ năm, trong khi doanh số bán nhà tại Trung Quốc vẫn trượt dốc và tình trạng giá giảm tiếp diễn ở cả Úc và New Zealand. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Giá bất động sản trượt dốc có nguy cơ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và đè nặng lên chi tiêu hộ gia đình, vốn là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2022. Hoạt động đầu tư cũng có thể bị ảnh hưởng khi các nhà phát triển thu hẹp quy mô dự án để đối phó với tình trạng giá giảm, nhu cầu suy yếu và chi phí vay vốn tăng.

Thị trường Việt Nam nhiều điểm nghẽn

Báo cáo thị trường nhà liền thổ vừa được Colliers Việt Nam công bố cho biết, giá cả tại thị trường TP. HCM vẫn tang ở mức 10-15% mỗi quý, tuy nhiên, mức tăng này có phần chững lại, thậm chí giảm nhẹ trong quý 4 (chỉ khoảng 5%). Trong các tháng cuối năm do tình hình siết tín dụng và một số vấn đề liên quan nên sức mua giảm, tỷ lệ hấp thụ chỉ còn rơi vào khoảng 80%.

Trong khi đó, thị trường Hà Nội đã chứng kiến một năm không có quá nhiều biến động. Trong quý cuối của năm 2022, mức giá còn có phần giảm khi sức mua không được giữ vững và các chủ đầu tư đang cố gắng đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng. Tỷ lệ hấp thụ ở thị trường biệt thự và nhà phố Hà Nội đang dao động khoảng 70-80%.

Colliers Việt Nam dự báo, 2023 sẽ là một năm nhiều thử thách đối với thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà liền thổ nói riêng. Đa phần các chủ đầu tư đều đang hoãn triển khai giỏ hàng mới để tiếp tục đẩy các giỏ hàng còn sót lại.

Ông Tín Nguyễn, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường Colliers Việt Nam, cho biết phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục đối diện với khó khăn về pháp lý, thanh khoản, nguồn vốn và dự kiến sẽ kéo dài đến ít nhất quý 3/2023. Đồng thời, thị trường căn hộ và nhà liền thổ đều sẽ trải qua một đợt điều chỉnh giá mới trong thời gian tới.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bất động sản Việt Nam đang đóng góp gần 11% GDP của nền kinh tế. Lĩnh vực có ảnh hưởng đến khoảng 40 ngành nghề quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng... Cùng với đó, nhu cầu nhân sự cho bất động sản hiện đang xếp thứ 7/11 các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao, chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực mỗi năm. Chính vì thế, sự suy giảm của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt ngành nghề khác và gây bất ổn cho nền kinh tế.

Áp lực tăng lãi suất tại Mỹ

Tại Mỹ, lãi suất thế chấp tăng cao vào năm ngoái đã khiến thị trường nhà ở trở nên nguội lạnh, khiến doanh số bán các căn nhà đã qua sử dụng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm. Điều này gây áp lực lên giá nhà, đặc biệt là tại các khu vực như San Francisco, nơi mà các căn nhà luôn vượt quá khả năng chi trả của người dân.

Tình trạng căng thẳng này sẽ tiếp tục do các động thái để đối phó với lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách tại đây dự kiến tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Tư, 01/02/2023, lên mức 4,5% đến 4,75%.

Khủng hoảng bất động sản vẫn âm ỉ tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tình trạng suy thoái trong ngành bất động sản vẫn chưa có nhiều dấu hiệu suy giảm, ngay cả khi chính quyền tăng cường các nỗ lực để vực dậy ngành này. Doanh số bán nhà mới đã giảm 32,5% trong tháng 01/2023 so với một năm trước đó, theo dữ liệu sơ bộ mà Chinese Real Estate Information công bố vào ngày 31/01.

Trong những tháng gần đây, các quan chức nước này đã triển khai nhiều việc để giảm áp lực tài chính cho các nhà phát triển thiếu tiền mặt, gồm cả việc hủy bỏ chính sách hạn chế sử dụng đòn bẩy từng gây ra làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp trong ngành và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Các chính quyền địa phương cũng tăng cường nỗ lực để khuyến khích người dân mua nhà, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất thế chấp và nới lỏng các yêu cầu về thanh toán. Theo nhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence, những bước đi này vẫn khó có thể thúc đẩy doanh số bán nhà tại Trung Quốc cho đến giữa năm nay.

Hôm 31/01, các nhà kinh tế dự báo viễn cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy yếu có thể là một trở ngại tiềm ẩn đối với triển vọng tăng trưởng trong năm nay của quốc gia này. Lý do là bởi chính phủ sẽ vẫn theo đuổi chính sách “nhà ở là để ở chứ không phải để đầu cơ” và giá nhà giảm sẽ kiềm chế hoạt động đầu cơ.

Giá nhà tại Úc và New Zealand tiếp tục đi xuống

Giá nhà tiếp tục giảm ở Úc và New Zealand trong tháng 01/2023, và khả năng còn trượt dốc nữa khi thị trường cảm nhận đầy đủ áp lực từ việc tăng lãi suất đột biến trong năm 2022.

Nhiều hộ gia đình ở New Zealand đang vay thế chấp với lãi suất cố định vẫn chưa bị chuyển sang mức lãi suất mới cao hơn. Do đó, các nhà kinh tế dự đoán giá nhà sẽ giảm hơn nữa và vào đầu năm 2024 sẽ thấp hơn ít nhất 20% so với mức đỉnh đạt được vào cuối năm 2021.

Tại thủ đô Wellington của New Zealand, giá đã giảm 18,1% so với một năm trước đó, theo dữ liệu của công ty CoreLogic. Tại Auckland, thành phố lớn nhất của nước này, giá nhà giảm 8,2%.

Theo một báo cáo của Bloomberg Intelligence, câu chuyện tương tự đang diễn ra ở Úc, nơi mà những người vay thế chấp với lãi suất thấp trước đây sẽ phải chuyển sang mức lãi suất cao hơn trong năm 2023, từ đó làm giảm nhu cầu sở hữu nhà và hoạt động tiêu dùng.

Singapore hạ nhiệt, Hồng Kông nóng lên

Giá nhà đã hạ nhiệt ở Singapore, một thị trường sở hữu khả năng phục hồi tốt hơn các nơi khác. Giá nhà chỉ tăng 0,4% trong quý 04/2022, tốc độ chậm nhất theo quý trong hơn 2 năm qua. Doanh số bán hàng trong tháng 12/2022 thậm chí rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm.

Tuy nhiên, một phần của sự suy giảm này bắt nguồn từ việc khan hiếm nguồn cung mới và các nhà phân tích kỳ vọng doanh số sẽ tăng trở lại khi các dự án mới mở bán nhiều hơn. Trong khi đó, các khách hàng giàu có đang thúc đẩy tăng trưởng ở phân khúc nhà hạng sang.

Một dấu hiệu tươi sáng khác đang đến với thị trường Hồng Kông khi biên giới với Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại. Doanh số bán nhà mới tại thành phố này được dự báo có thể tăng hơn 50% trong năm 2023 nhờ nhu cầu bị dồn nén từ khách hàng đại lục, theo Bloomberg Intelligence.

Lam Vy (ST)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.