Liu Baoxiang, chủ một tiệm trò chơi ở một thành phố tại Trung Quốc cho biết lượng tài sản của mình đã giảm đáng kể do giá nhà đi xuống.
“Trước đây, tôi được coi là một người giàu có. Tôi từng mua áo khoác lông chồn với giá hàng chục nghìn Nhân dân tệ. Nhưng gần đây tôi hầu như không mua chiếc áo nào và cũng không đi du lịch”, anh Liu nói.
Trong khi thị trường bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng một phần tư hoạt động kinh tế, đang có những dấu hiệu ổn định tạm thời, thì tác động do sự suy thoái mạnh của lĩnh vực này kể từ năm 2021 vẫn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và cản trở quá trình phục hồi.
Các nhà kinh tế gọi đây là hiệu ứng của cải: Những người sở hữu bất động sản cảm thấy nghèo hơn sau khi giá nhà giảm mạnh có xu hướng cắt giảm chi tiêu để xây dựng lại khối tài sản trước đó.
Hiện tượng này đang diễn ra ở Trung Quốc, nơi có khoảng 70% tài sản hộ gia đình là bất động sản, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi tiêu dùng hộ gia đình sau đại dịch, vốn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc.
Capital Economics ước tính tài sản ròng của hộ gia đình tại quốc gia này đã giảm 4,3% trong năm ngoái, do giá nhà và giá cổ phiếu giảm, mức giảm đầu tiên kể từ là năm 2001.
Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Các hộ gia đình dường như đã cắt giảm tiêu dùng để đối phó với những tác động tiêu cực từ thị trường nhà đất”.
“Những người mua nhà gần đây phải chịu các khoản thế chấp lớn sẽ bị thiệt hại nhiều nhất có thể sẽ cắt giảm tiêu dùng mạnh tay nhất”.
Các thành phố nhỏ thiệt hại nặng nề nhất
Cư dân ở các thành phố nhỏ đang cảm thiệt hại hơn những người sống ở các trung tâm lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh, nơi giá nhà ổn định hơn.
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, giá nhà mới trung bình ở 35 thành phố nhỏ nhất trong số 70 thành phố cấp 3 được khảo sát đã giảm 13 tháng liên tiếp vào tháng 2 vừa qua. Các đại lý cho biết mức giảm rơi vào khoảng 20-30%.
Một người mua cho biết căn hộ của cô hiện có giá 8.000 Nhân dân tệ/m2, thấp hơn một nửa so với mức 18.000 Nhân dân tệ mà cô đã trả để mua nhà vào 3 năm trước.
Cô nói: “Tôi đã trả hàng trăm nghìn Nhân dân tệ cho khoản đặt cọc, trả hơn 1 triệu Nhân dân tệ cho khoản vay và hiện vẫn còn nợ hơn 1 triệu Nhân dân tệ. Do đó, tôi sẽ không tiêu tiền vào bất kỳ thứ gì trong năm nay. Tôi cần phải thắt lưng buộc bụng. Thật đau khổ không thể chịu nổi”.
Niềm tin tiêu dùng suy yếu
Tiêu dùng hộ gia đình đã tăng lên kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19 hà khắc vào tháng 12 năm ngoái, dẫn đầu là du lịch nội địa, chiếu phim và dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, doanh số bán ô tô không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Ba vừa qua.
Niềm tin của người tiêu dùng, mặc dù vẫn ở mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng đang phục hồi từ mức thấp kỷ lục của năm ngoái.
Doanh số bán lẻ đã tăng 3,5% so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 và dự kiến sẽ tăng tốc trong những tháng tới so với mức nhỏ hơn của năm ngoái, vốn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế và đóng cửa do Covid-19.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã chỉ ra mức tăng tiền gửi ngân hàng hộ gia đình lên 17,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (2,60 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái. Họ đã kỳ vọng chi tiêu hộ gia đình sẽ hồi phục nhanh hơn nhiều, như đã thấy ở phương Tây sau khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 được dỡ bỏ.
Dữ liệu cho đến nay, bao gồm cả những con số lạm phát thấp, cho thấy hầu hết nhu cầu dự kiến bị dồn nén từ đại dịch vẫn chưa được giải phóng.
Tiề gửi đã tăng thêm 9,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong quý đầu tiên của năm nay. Nhiều người Trung Quốc đang sử dụng tiền tiết kiệm để trả nợ thế chấp sớm.
Cuộc khảo sát gần đây nhất của ngân hàng trung ương cho thấy trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ người được hỏi cho biết họ muốn tiết kiệm đã giảm 3,8 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng vẫn ở mức tương đối cao là 58%.
Nie Wen, một nhà kinh tế tại Hwabao Trust, cho biết khoản tiết kiệm kỷ lục khó có thể được chuyển thành chi tiêu cho đến cuối năm nay hoặc năm 2024, do sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng thấp của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chậm lại.
“Người dân thuộc tầng lớp trung lưu, chiếm 50% lượng tiêu dùng, vẫn thận trọng”, ông Nie nói.
Jane, một nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội, từng cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu cho đến khi căn hộ trị giá 1,5 triệu Nhân dân tệ của cô ở trung tâm thành phố Trùng Khánh bị giảm giá trị khoảng 14%.
“Vợ chồng tôi không mua quần áo mới nữa và sẽ không đi du lịch. Tôi có cảm giác như đã mua một nhà tù, thay vì một căn nhà, cho bản thân”.
-
Giá nhà giảm làm kinh tế thế giới thêm buồn
Thị trường bất động sản suy yếu gây ra một rủi ro khác cho nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất cao hơn làm xói mòn tài chính hộ gia đình và có thể khiến giá nhà tiếp tục đi xuống.
-
Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Country Garden báo lỗ kỷ lục trong năm 2023-2024
Sau nhiều tháng trì hoãn công bố báo cáo tài chính, "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings cuối cùng đã hé lộ khoản lỗ khổng lồ gần 175 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 23,8 tỷ USD) trong năm 2023, gấp gần 30 lần so với năm trước đó...
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...