KKTCK Lệ Thanh được quy hoạch “vẽ” ra với nhiều cụm công nghiệp, nhà máy, trường học, nhưng 12 năm trôi qua vẫn chỉ là bãi đất trống.
“Bức tranh” nguệch ngoạc
Được Chính phủ phê duyệt với diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 210ha và nâng tầm từ cửa khẩu (CK) Quốc gia thành CK Quốc tế vào năm 2007. CK Lệ Thanh được đánh giá là CK “tiềm năng” nhằm thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Tỉnh Gia Lai đã đầu tư số tiền 120 tỉ đồng từ năm 2003 đến nay, để xây dựng các cụm công nghiệp, nhà máy chế biến nông - lâm sản, trung tâm mua sắm, trường học…
Một tín hiệu khả quan dấy lên hy vọng phát triển KKTCK nữa là, quốc lộ 78 của Campuchia được xây dựng, trở thành điểm nối giao lưu buôn bán giữa tỉnh Gia Lai với các huyện biên giới nước bạn. Cảnh động thổ, khởi công trống dong cờ mở cùng tiếng động cơ ầm ào mở đường, xẻ núi khiến chính quyền và người dân tỉnh Gia Lai kỳ vọng “viễn cảnh” phát triển kinh tế từ CK sẽ được mở ra.
Gần 12 năm từ lúc đặt viên gạch đầu tiên, KKTCK chỉ là bức tranh nguệch ngoạc với nhiều công trình dang dở, bỏ hoang. Các vùng quy hoạch vẫn giậm chân tại chỗ, mặc cây rừng, cỏ dại chen lấn. Cụ thể, trục đường chính dẫn vào khu vực CK với 2 làn đường được đầu tư hơn 27,4 tỉ đồng nhưng, đã 4 năm trôi qua vẫn đang tiếp tục “thi công”. Những tuyến đường nhánh (đường giao thông khu trường cấp I, II và các cơ quan văn phòng cho thuê) với hơn 9,2 tỉ đồng đã thi công hoàn thành. Thế nhưng, không một cơ quan, nhà máy, trường học nào mọc lên, thay vào đó vẫn là bãi đất hoang.
Tương tự, hệ thống giao thông khu công nghiệp CK Lệ Thanh (xã Ia Dom) được quy hoạch với tổng mức đầu tư hơn 47 tỉ đồng để “hút” các nhà đầu tư, DN. Khó hiểu, chủ đầu tư chỉ mới rải nhựa 2 khúc đường tầm 60m mà… không chịu thi công tiếp. Được ngân sách nhà nước (NSNN) “ưu ái” rót vốn đầu tư nhưng, tuyệt nhiên không một nhà máy, kho bãi… nào chịu mọc lên như trong bản thiết kế. CK Lệ Thanh đang giẫm “vết xe đổ” của CK Quốc tế Bờ Y của tỉnh Kon Tum.
Tiền Nhà nước đâu phải vỏ hến!
Hệ thống đường giao thông khu công nghiệp được Trung tâm Quy hoạch của Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai quy hoạch. Chủ đầu tư là BQL dự án Đầu tư và xây dựng KKTCK Lệ Thanh (đã giải thể và sát nhập vào BQL KKT tỉnh Gia Lai).
Trước sự yếu kém và thiếu năng lực trong công tác xây dựng, năm 2013, UBND tỉnh Gia Lai đã buộc dừng thi công các công trình KKTCK vì không đảm bảo chất lượng, đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng, Sở KHĐT, Sở GTVT xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn - thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công cũng như của chủ đầu tư để xử lý.
“Việc quy hoạch đã thể hiện sự yếu kém. Với địa hình đồi dốc, chủ đầu tư phải bố trí hạ tầng tương ứng, nơi nào có núi thì phải san ủi đất đá, nơi nào trũng thì lấp. Không thể vì quy hoạch sai mà bỏ hoang các công trình” - ông Lý Trọng Hiệp - Phó trưởng BQL KKT tỉnh Gia Lai - thẳng thắn. Các tuyến đường trục chính KKTCK sau 3 năm bị cắt vốn, nay được UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục cho thi công, nhưng thay vì từ 47 tỉ đồng được đầu tư như trước thì lại “đội” lên hơn 64,3 tỉ đồng. Rồi các công trình tương tự, cũng đội vốn như thế sau khi được điều chỉnh.
UBND tỉnh Gia Lai đang tiến hành truy trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan về sự chậm trễ của KKTCK. Hy vọng công, tội sẽ được phân định rõ ràng và công trình kinh tế lớn nhất của tỉnh Gia Lai sẽ hình thành, đáp ứng niềm hy vọng của chính quyền và người dân địa phương.
-
Chấm dứt các chủ trương cũ tại dự án Bình Quới Thanh Đa, Tứ Giác Mả Lạng để giao nghiên cứu, đề xuất mới
Thông tin này được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ - Trang TP.HCM đăng tải qua buổi họp báo vào chiều 19/10 nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM....
-
Hà Nội sắp sửa đấu giá nhiều lô đất vàng
Hơn 11.000m2 đất tại hai quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm sẽ bị thu hồi để thực hiện đấu giá.
-
Loạt giải pháp xử lý “quy hoạch treo” và “dự án treo” ở Bà Rịa – Vũng Tàu
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo” trên địa bàn tỉnh.