Những ngày này, sự việc lãnh đạo UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai chỉ đạo lực lượng chức năng cùng một số đối tượng bịt mặt dùng cưa máy phá hoại cây trồng của một hộ dân, để giải quyết vướng mắc đất đai đang khiến dư luận địa phương hết sức bức xúc.
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 21/1/2019, khi ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh) trực tiếp chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã và 3 người bịt kín mặt mang theo cưa máy vào khu vườn gia đình chị Đoàn Thị Xí (SN 1983) ở làng Ia Bia, xã Ia Le. Ông Việt chỉ đạo 3 đối tượng bịt mặt (không phải người xã Ia Le) dùng cưa máy cưa hạ nhiều cây trong vườn điều đang ra hoa, kết trái của gia đình.
Trong khi các đối tượng bịt mặt chặt cây, lực lượng công an xã, dân quân xã Ia Le tạo thành vòng để ngăn cản sự chống đối của gia đình bà Xí và người dân địa phương. Cũng tại đây, ông Lê Thanh Việt tuyên bố những người này được ông Việt thuê để làm nhiệm vụ của UBND xã Ia Le.
Theo bà Đoàn Thị Xí, đây là hành vi gây khó dễ có tính leo thang khi đất của mình trở nên có giá trị, sau khi Quốc lộ 14 được nâng cấp: “Năm 2003, tôi đã làm đất ở đây rồi. Một thời gian sau, có đường đổ nhựa này (Quốc Lộ 14), có người vào múc đất của tôi, tôi nói đây là đất tôi đang sử dụng, múc đất của tôi đắp đường tôi không cho. Tôi lên xã la làng, thì họ để yên. Năm 2013, tôi trồng cây lâu năm tiếp. Năm 2016, chính quyền xã bảo là đất vi phạm”.
Mảnh rẫy bị phá của bà Đoàn Thị Xí có mặt tiền là quốc lộ 14, dài 125 mét, sâu 120 mét, trở thành đất vàng sau khi Quốc lộ 14 được nâng cấp. Hiện nay, trên đất có hơn 500 cây gồm xà cừ, nhãn, điều.
Bà Xí cho biết, mình đã mua rẫy này của ông Rơ Mah Tèo, ở làng Ia Bia, xã Ia Le từ năm 2003, có giấy mua bán viết tay. Từ đó bà Xí canh tác ổn định, không có tranh chấp, khiếu nại gì. Năm 2008, huyện Chư Sê cũ (tức là huyện Chư Sê và Chư Pưh hiện nay) đưa đất này vào quy hoạch tái định cư.
Năm 2016, quá trình tranh chấp giữa gia đình bà Xí với xã Ia Le và huyện Chư Pưh mới bắt đầu.
Cuối 2017, để chứng minh diện tích đất này thuộc quản lý của chính quyền địa phương, ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le làm việc với ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn.
Theo biên bản làm việc ngày 16/11/2017, vị Trưởng Ban này xác nhận, đất thuộc làng Ia Bia (60ha), xã Ia Le từng thuộc tiểu khu 1038A, lâm phần ban quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn.
Vườn điều nhà bà Xí bị chính quyền xã Ia Le thuê người cưa hạ.
Năm 2008, đất này được bàn giao cho UBND xã Ia Le, Chư Pưh để quy hoạch tái định cư. Tuy vậy, theo ông Tường, đơn vị không có hồ sơ, tài liệu nào chứng minh điều này. Trong thời gian công tác tại đơn vị từ 2013 tới nay, ông Tường cũng không được bàn giao hồ sơ nào liên quan.
Dù việc chứng minh nguồn gốc đất chưa thuyết phục, gia đình bà Xí cũng chưa đồng thuận, nhưng ngày 26/12/2018, UBND huyện Chư Pưh lại có biên bản bàn giao 450m2 cho một hộ dân khác để tái định cư. Việc này gặp sự phản đối của cả gia đình bà Xí và hộ được bố trí đất nên việc bàn giao không thành trên thực tế.
Ngày 16/1/2019, huyện Chư Pưh ra văn bản số 33/TB-VP yêu cầu gia đình bà Xí phải dọn hết cây cối trên đất để trả mặt bằng cho xã trước ngày 18/1/2019.
Tiếp đó, ngày 19/1/2019, dù không có thông báo thu hồi đất, không quyết định cưỡng chế đất, nhưng lực lượng chức năng huyện Chư Pưh và lực lượng của UBND xã Ia Le tiếp tục gây sức ép yêu cầu gia đình giao đất. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm vào 21/1/2019 khi ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le thuê người bịt mặt tới cưa hạ cây.
Giải thích điều này, ông Việt cho biết, mình làm theo chỉ đạo của ông Lê Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh qua điện thoại và văn bản, chứ không phải tuân theo các trình tự thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mà pháp luật đã quy định.
“Sáng 21/11, Thường trực Đảng uỷ xã, UBND xã có họp, có liên hệ với Chủ tịch UBND huyện cương quyết chỉ đạo làm, thì ở dưới chúng tôi làm”, ông Việt nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lê Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh xác nhận mình là người chỉ đạo chủ tịch xã Ia Le. Ông Thái gọi đây là dọn dẹp đất chứ không phải cưỡng chế: “Bịt mặt, giấu mặt không đúng. Quá trình người ta đi làm, bịt mặt để đảm bảo vệ sinh là bình thường, đâu phải trốn tránh gì đâu. Vừa rồi là xã tiến hành dọn dẹp lấy mặt bằng để giao đất tái định cư. Ngoài ra, chúng tôi lấy đất này để quy hoạch, đấu giá, cho thuê đất”.
Luật sư Lê Đình Quốc, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai phân tích, theo quy định của Luật Đất đai, việc thu hồi đất người dân trồng cây lâu năm, xây dựng kiến trúc trái phép phải được thực hiện tuần tự nhiều bước. Có vi phạm thì phải lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai.
Nếu cần thu hồi thì phải có quyết định hành chính rõ ràng.Việc ông Lê Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh chỉ đạo ông Lê Thanh Việt, chủ tịch UBND xã Ia Le thuê người cưa hạ cây trồng của người dân không tuân theo quy định pháp luật: “Không có biên bản vi phạm hành chính, không có quyết định cưỡng chế mà đưa người tới chặt cây, phá hoại tài sản người khác thì có dấu hiệu vi phạm Tội huỷ hoại tài sản người khác theo quy định của Luật Hình sự. Nếu tài sản này trên 2 triệu đồng thì buộc phải bồi thường, đồng thời chịu trách nhiệm hình sự về Tội huỷ hoại tài sản công”.
Với cách làm của chính quyền xã Ia Le và huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai như vậy đã để lại nhiều câu hỏi về việc tuân thủ quy định pháp luật. Việc thuê người bịt mặt chặt cây để thu hồi đất, chằng khác nào cách làm của xã hội đen. Về tình, việc gây lực với người dân để thu hồi đất vào những ngày giáp Tết Nguyên đán là điều rất phản cảm./.