28/12/2011 12:37 AM
Chủ nhân hàng ngàn mảnh đất bị mắc kẹt ở ngoại thành Hà Nội đang hy vọng sẽ dễ bán hơn, khi thông tin khởi động việc di dời các trường đại học được công bố.
Đất vẫn nằm im… chờ thời

Nửa năm sau khi bùng phát “cơn sốt” đất chớp nhoáng, tình hình giao dịch bất động sản ở khu vực ngoại thành thuộc các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức… vào những ngày cuối năm 2011 khá ảm đạm. Phần lớn các công ty, trung tâm và văn phòng môi giới nhà đất ở các khu vực này đều tạm đóng cửa vì ế ẩm.


Ông Phạm Văn Đắc, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Hải Phát cho biết, suốt 4 tháng qua, Công ty đã nhận hơn 60 mảnh đất của khách hàng ủy thác cho Công ty bán và mới đây, Công ty còn tiếp nhận thêm hàng chục hồ sơ nhờ bán đất. “Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa bán được mảnh đất nào. Có đến 2/3 khách hàng chấp nhận giảm giá, nhưng vẫn không có người mua”, ông Đắc tiết lộ.


Còn chị Phạm Ngọc Hoàn, Văn phòng Nhà đất Minh Khải (huyện Từ Liêm) ngán ngẩm cho biết, bất động sản ngoại thành ở các khu vực sốt giá nửa năm về trước, nay đang bị “kẹt” không thể thanh khoản.


Qua tham khảo giá tại các công ty, trung tâm và văn phòng môi giới nhà đất có thể thấy, đất thổ cư ở khu vực Sóc Sơn có giá dao động ở 7 - 10 triệu đồng/m2 ở thời điểm tháng 4/2011, nay được rao bán với giá 3-4 triệu đồng/m2. Đất khu vực quanh cầu Đông Trù (huyện Đông Anh) đang được chào bán với mức giá 23-25 triệu đồng/m2, giảm hơn 20 triệu đồng so với thời điểm này cùng kỳ năm ngoái. Một số khu vực tại huyện Mê Linh cũng giảm từ 18 đến 20 triệu đồng xuống 9-12 triệu đồng/m2.


Đại diện nhiều trung tâm môi giới bất động sản cho biết, hiện nhiều khách hàng đang mắc kẹt do hậu quả của cơn sốt vào đầu năm 2011, nay rất khó bán. Đến thời điểm cuối năm, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán hạ để cắt lỗ, nhưng do thị trường đang “tuột xích”, nên hầu như bất động sản xa trung tâm không có người quan tâm.


Ngóng chính sách chờ đất lên giá


Mới đây, ngày 25/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo, từ năm 2012 đến năm 2025, Bộ này sẽ thực hiện di dời khoảng 70 trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành. Trong đó, riêng khu vực Hà Nội sẽ có 30 trường dời "đô" khỏi nội thành.


Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, với việc di dời 30 trường đại học, cao đẳng, thì số sinh viên chuyển ra ngoại thành Hà Nội khoảng 200.000 người. Các khu quy hoạch cho các trường đại học của Hà Nội và vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bao gồm Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Chương Mỹ thuộc TP. Hà Nội; Khu đại học phố Hiến (tỉnh Hưng Yên); tỉnh Vĩnh Phúc; Hải Dương; Hà Nam; Bắc Ninh; Hòa Bình và Nam Định.


Những thông tin này đã khiến nhiều nhà đầu tư đang có đất ở các khu vực trên ít nhiều cảm thấy phấn chấn hơn.


Anh Lê Văn Hải, một nhà đầu tư đã bỏ hơn 5 tỷ đồng mua đất ở Sóc Sơn, Đông Anh cho biết, các nhà đầu tư bất động sản cá nhân rất quan tâm đến những động thái như việc dời các trường đại học ra ngoại thành. Thông tin về việc có ít nhất là 3 trường đại học, cơ sở y tế sẽ “đóng đô” ở Sóc Sơn, với diện tích quy hoạch khoảng 600 ha, hy vọng sẽ giúp các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sáng sủa hơn từ bất động sản khu vực này.


Chủ trương di dời các trường đại học, cơ sở y tế ra khỏi nội thành đã được Chính phủ xác định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc di dời các trường đại học cơ bản vẫn… nằm trên giấy.


Hai vấn đề quan trọng nhất là địa điểm xây dựng mới và vốn đầu tư xây dựng vẫn chưa được xác định. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để lạc quan về tác động của việc di dời các trường đại học ra ngoại thành. Bài học của cơn sốt đất giả tạo hồi tháng 4, 5/2011 vẫn còn nóng hổi. Các nhà đầu tư bất động sản cần có sự tỉnh táo để có những quyết định chính xác, tránh đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra.

Theo Hữu Tuấn (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.