Trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050, Hoà Lạc trở thành đô thị vệ tinh có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo; Ba Vì trở thành một trong những điểm nhấn về du lịch, văn hoá… Thông tin này đã làm cho thị trường nhà đất ở Ba Vì đã trở nên ảm đạm. Thời kỳ đất Ba Vì lên cơn “sốt”, tuyến đường 87 chạy từ cầu vượt Hoà Lạc lên xã Tản Lĩnh dài gần 20km tràn ngập các trung tâm môi giới bất động sản.Thế nhưng, thời kỳ tươi sáng đó đã không còn. Hiện nay, tại nơi đây, chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay các trung tâm môi giới nhà đất hoạt động thoi thóp. Phần lớn các trung tâm này đã “dẹp tiệm”, chuyển sang làm dịch vụ nhà hàng ăn uống. Lý do: không có khách; giới đầu tư ngoại tỉnh đã tháo chạy “một đi không trở lại” từ cuối năm ngoái.
Dọc trục tỉnh lộ thuộc địa phận xã Yên Bài, cách chừng
50m lại có một khu đất rộng vài trăm mét được quây tường bao vuông vức.
Có lẽ, vì không có người hỏi tới từ lâu lắm, cánh cửa tạm bợ bằng sắt,
bằng gỗ, bằng hàng rào tre… đã hoen gỉ, mục nát. Chủ đất biệt tích như
bóng chim tăm cá, chỉ có mỗi số điện thoại nguệch ngoạc trên tường là
thông tin duy nhất.
Từ dốc Ba Vành chạy sâu vào trong xã Yên Bài vài trăm
mét, cứ ngỡ vùng bán sơn địa chỉ biết đến cây trà, cây khoai mì… thế
nhưng, các chủ đất cũng đã “làm nóng” cả đất đồi. Tại Yên Bài, hai chủ
đầu tư lớn nhất được biết đến là công ty cổ phần đầu tư Archi Invest và
công ty Hoàn Sơn. Các chủ đầu tư này lập các dự án phân lô đất biệt thự,
quy hoạch khu nghỉ dưỡng… để nâng giá trị gói hàng lên rất nhiều lần so
với giá ban đầu. Ông Phạm Văn Dũng, ở xóm Ba Vành, xã Yên Bài cho biết,
trước năm 2007, chỉ có lác đác người Hà Nội về mua đất làm trang trại,
đất Ba Vì vẫn rẻ như cho. Khi đó, có những nhà đồng ý bán cả quả đồi với
giá khoảng 100 triệu đồng. “Nếu không bán, họ cũng chỉ trồng khoai mì,
trồng trà… Đó là một món tiền to đối với người nông dân thời điểm bấy
giờ”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, ở Yên Bài vào năm 2007, giá 1m đất
chạy sâu tròm trèm từ 4 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng/mét, rồi lên
vài chục triệu đồng, có thời điểm lên đến gần 100 triệu đồng/mét.
Thời điểm hiện tại, giá đất ở Yên Bài bắt đầu chững lại ở mức 50 triệu đồng/m chạy sâu. “Bây giờ, giá đất ở Ba Vì đứng im không nhúc nhích. Ai đã trót mua thì đành phải giữ lại. Tuy nhiên, hầu hết những miếng đất đấy đều là đất của nông trường, chưa giao về xã quản lý. Cho nên, nguy cơ nhiều người bị mất trắng là điều có thể”, ông Dũng nhận định.