So với thời điểm thị trường bất động sản sôi động, giá đất tại các dự án bất động sản được bán lúa non đã giảm gần 50% giá trị.

Giá đất dự án “hoang” giảm 50%Giá giảm

Có lẽ chưa bao giờ thị trường bất động sản lại mất giá như năm 2011, giá đất tại các dự án trung bình giảm 15-30% trong đó cá biệt có dự án giảm 30- 50% chủ yếu tập trung những dự án đã được bán lúa non.


Theo các chuyên gia bất động sản, sở dĩ các dự án đã được bán khi chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý có mức giảm sâu là do sự thay đổi về tâm lý các nhà đầu tư. Bởi sau gần 1 năm thị trường khó khăn, thanh khoản bất động sản gần như “chết đứng”, nhiều nhà đầu tư đã có khoảng lặng để suy ngẫm. Thực tế cho thấy trong bối cảnh này, giá đất các dự án đã hoàn chỉnh, đã và đang trong giai đoạn bàn giao nhà còn khó khăn trong việc tìm khách mua nữa là những dự án còn đang để hoang. Bởi chí ít bỏ tiền tỉ mua dự án đã hoàn thành khách hàng có thể đưa vào khai thác, sử dụng trong khi những dự án hoang không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.


Chính vì vậy, giá dự án bán lúa non mới giảm thê thảm đến mức như vậy. Đơn cử, dự án Thanh Hà (Cienco5) một thời được xếp vào dạng hàng hot của thị trường bất động sản bởi vị trí tốt, giá gốc trên hợp đồng lại tương đối rẻ chỉ trên 10 triệu đồng/m2. Theo giới đầu tư, những dự án có mức giá gốc rẻ luôn làđiểm hấp dẫn bởi giới đầu tư có thể dễ dàng đẩy lên được mức cao gấp 3-4 lần. Điều này đã được chứng minh khi nhiều dãy liền kề thuộc dự án này tại thời điểm thị trường tốt giá cũng đã lên đến 43-45 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá đất tại dự án này chỉ còn 24-25 triệu đồng/m2.


Tương tự, tại địa bàn huyện Mê Linh nơi tập trung hàng chục dự án bất động sản lớn tại Hà Nội, tuy nhiên trong số gần 50 dự án thì có đến ¾ là dự án vẫn còn trong giai đoạn lúa non do chủ đầu tư không triển khai.


Dự án Ba Đình thời điểm cuối năm ngoái giá 18 triệu đồng/m2 hiện chỉ còn 10-11 triệu đồng/m2, dự án Diamond Park New đang được chào bán 8-10 triệu đồng/m2, dự án AIC hiện chỉ 10-11 triệu đồng/m2….


Không chỉ dự án đất nền mà cả các dự án chung cư vẫn còn “trên giấy” cũng nhận được sự “ghẻ lạnh” của giới đầu tư như dự án chung cư Diamond Tower (Đại lộ Thăng Long), dự án chung cư B5 Cầu Diễn, dự án chung cư Vân Canh….


Bán tháo


Anh Nguyễn Anh Tuấn – sàn giao dịch bất động sản VNI (Lê Văn Lương) cho biết, thời gian gần đây, văn phòng của anh nhận được rất nhiều hồ sơ gửi bán đất dự án với giá rẻ trong đó hầu hết là những dự án mua dưới dạng gốp vốn, đóng tiến độ từ mức 30-50%


“Thực tế, tại các dự án hoang nhiều lô đất khách hàng chào bán rất rẻ tuy nhiên do nhà đầu tư đã bị mất niềm tin vào chủ đầu tư khi tiến độ triển khai dự án quá chậm vì vậy họ tránh. Thậm chí, nhiều khách hàng sau thời gian ngấm đòn cũng đã bộc bạch kể cả thị trường tốt cũng không còn dám liều mạng lướt sóng với dự án có tính rủi ro cao kiểu như vậy" anh Tuấn cho biết.


Chị Trương Thị Liên (Trung tâm nhà đất Hà Nội Mới) cho biết, nhiều khách hàng hiện đang mắc kẹt và phải è cổ ra để trả nợ vay ngân hàng. Trong đó, có nhà đầu tư đã từng phải chấp nhận cắt lỗ cả tỷ đồng so với giá mua vào. Thua lỗ này đã cho nhà đầu tư bài học về nguyên tắc đầu tư an toàn. Và vì vậy những dự án có tính pháp lý tốt thậm chí đã giao nhà để ở mới được quan tâm lúc này.


Theo các chuyên gia bất động sản thì thời gian tới thị trường sẽ xuất hiện sự chuyển dịch về xu hướng đầu tư an tòan. Do nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp BDS trước sự hạn hẹp về tín dụng. Giới BĐS cũng nhận định, xu hướng cơ cấu lại hạng mục đầu tư cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ khi mà đề xuất 80% lượng nhà ở trong mỗi dự án sẽ là nhà chung cư của Bộ Xây dựng thông qua. Sự pha loãng số lượng chung cư sẽ khiến phân khúc này phải đối mặt với áp dụng nguồn cung tăng mạnh mẽ. Còn đất nền đã có hạ tầng vì thế sẽ được đánh giá là chiếm ưu thế khi mà vừa qua một loạt chính sách đưa ra nhắm tới việc hạn chế cho vay với những sự án mới, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.


Rõ ràng, là với chính sách này mua đất tại những dự án chưa hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng, người mua sẽ gặp rủi ro vì còn lâu mới có thể nhận được ngôi nhà mua trên giấy.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland