Trao đổi với một người môi giới nhà đất lâu năm tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, được biết khu vực thôn Kim Hoàng hiện có rất nhiều ô đất dịch vụ với diện tích trung bình khoảng 50 m2/ô. Đó là đất người dân được đền bù của nhiều dự án như Vinaconex, Vân Canh HUD. Anh này chia sẻ, giao dịch đất dịch vụ ở khu vực này gần như bất động hoàn toàn dù giá đã giảm khá nhiều (có chỗ đã giảm tới 60%). Giao dịch diễn ra vào thời điểm hiện nay chỉ dừng ở mức 6 - 8 triệu đ/m2. Lúc cao điểm nhất vào khoảng 23 - 24 triệu đ/m2. Giao dịch tại xã Vân Canh hầu như chỉ dựa vào đồng tiền lao động của người dân tích góp được và mua cho con cháu họ xây dựng. Còn lại, giao dịch mua đi bán lại hầu như không còn.
Nguyên nhân của tình trạng giao dịch ít như hiện nay được cho là do những ô đất dịch vụ chưa được giao chính thức cho người dân trong diện bồi thường GPMB, thay vào đó là những ô đất nằm trên giấy (!). Theo chị Son - đại diện một hộ dân được đền bù đất dịch vụ tại xã Vân Canh, từ lúc thu hồi đất đến bây giờ đã là 5 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy đất đâu. Họ chỉ cho chúng tôi nhìn thấy trên giấy tờ tài liệu…
Cũng chung tình trạng giảm giá mạnh so với thời kỳ sốt, song đất dịch vụ tại khu vực Q.Hà Đông vẫn có được lượng giao dịch đáng kể. Đặc biệt là những ô đất đã có hạ tầng như ở P.La Khê. So với thời kỳ sốt, giá bây giờ giảm xuống 50%. Khác với ngoại thành, trong nội thành, những người bán đất dịch vụ chủ yếu là nhà đầu tư. Chị Lan - một nhà đầu tư từng “lăn lộn” với đất dịch vụ tại khu vực này từ những ngày đầu tiên nhận định: Đất dịch vụ tại La Khê vẫn có người mua, kẻ bán là nhờ lượng khách hàng có nhu cầu thực; đồng thời đất dịch vụ ở đây đều đã có hạ tầng khá đầy đủ. “Một ô đất dịch vụ 50m2 mua từ thời điểm chưa hoàn thiện giấy tờ pháp lý có giá 450 - 500 triệu đồng. Thời điểm bây giờ, tôi chỉ đầu tư đến 600 - 700 triệu đồng/ô đất rồi chuyển nhượng lại”- chị Lan cho biết.
Đất dịch vụ là một loại hình sản phẩm khá đặc biệt của thị trường BĐS. Đất dịch vụ thường được bố trí tại các khu đất xen kẹt, đất lưu không nằm giữa các khu đô thị, khu dân cư cũ. Lợi thế của đất dịch vụ là diện tích nhỏ 40 - 45m2, vị trí đẹp - phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Tuy nhiên, theo các trung tâm môi giới BĐS, khu vực có đất dịch vụ bồi thường cho người dân đã được hoàn thiện hạ tầng với mức khác nhau sẽ dẫn tới lượng giảm giá không đồng đều. Đồng thời, cũng phải nhắc tới yếu tố pháp lý đang dần khiến loại hình sản phẩm này bớt đi độ hấp dẫn với nhà đầu tư địa ốc. Bởi, theo quy định mới của Nhà nước về đền bù, GPMB thì người nông dân mất đất ruộng cho dự án sẽ không được nhận đất dịch vụ mà chỉ nhận bồi thường bằng tiền mặt. Đồng thời, việc mua bán giao dịch đất dịch vụ đang rất vướng về pháp lý. Việc chuyển nhượng đất dịch vụ chỉ có giấy tờ viết tay không có chứng thực của chính quyền. Trong khi đa số các giao dịch mua bán đều thực hiện trước khi người dân có quyết định nhận đất, dẫn tới người mua không được đảm bảo về vị trí lô đất. Ngoài ra, tiến độ giao đất dịch vụ thông thường kéo dài 3 - 5 năm. Nếu có rủi ro thì người mua cuối cùng sẽ “lĩnh đủ”.
Đất dịch vụ xã An Thượng (Hoài Đức) đang giảm từ 18 triệu đ/m2 xuống còn 7 - 8 triệu đ/m2. Tại xã An Khánh, giữa năm 2011, đất dịch vụ vẫn được săn lùng với giá từ 1 -1,4 tỷ đ/suất, nay giảm còn 600 - 800 triệu đ/suất. Đất dịch vụ Bắc An Khánh (Hoài Đức) được rao bán với giá 12 - 13 triệu đ/m2 kèm theo điều kiện được thương lượng. Đất dịch vụ xã Song Phương giảm từ 13,5 - 15 triệu đ/m2 xuống còn 9 - 10 triệu đ/m2... |