Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, giá BĐS tại Hà Nội và các địa phương khác đã giảm, mức bình quân từ 10-30%, thậm chí có dự án giảm đến 50%. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV báo PL&XH, thực tế lại không hẳn như vậy.
“Giá BĐS giảm “thủng đáy” cũng chỉ 15%”
Đó là khẳng định của ông Lê Anh Vũ - Trưởng Phòng Marketing Cty BIC Việt Nam với PV. Cũng theo ông Vũ, việc Bộ Xây dựng cho rằng có những dự án BĐS giảm tối đa xuống 50% là không thể xảy ra, vì giảm tối đa, thậm chí xuống “thủng đáy” cũng chỉ 15%, nếu không DN sẽ bị lỗ. Bởi lẽ, phí “bôi trơn” ở miền Nam hoàn toàn khác với khu vực miền Bắc (ở TP HCM thấp hơn nhiều so với Hà Nội), vì đất ở gần trung tâm nên rất đắt. Hơn nữa, các dự án được các DN tung ra đều tính rất thực tế, đánh giá rất sát với mức giá cũng chỉ dao động từ 14-15 triệu đồng/m2, chứ không tung ra cao hơn. Do vậy, suất đầu tư xây cả tầng hầm cũng khoảng từ 11-12 triệu đồng/m2, đấy là chưa tính các DN phải đi mua đất hay đi làm “sổ đỏ” cho khách hàng. “Bây giờ DN đã hạ giá xuống mức “thủng đáy” không thể giảm giá hơn được nữa. Việc lãnh đạo UBND TP nói chưa thấy dự án nào giảm giá là hoàn toàn đúng. Chỉ có những ngôi nhà nhỏ lẻ ở mặt phố đã xây dựng từ lâu nếu bán thì may ra giá giảm xuống 50%”, ông Vũ nhận định.
Ông Vũ cho biết thêm, ở Hà Nội do có nhiều các Sở, ban, ngành kiểm tra đã gây nên sự rườm rà về thủ tục hành chính sau khi DN bắt đầu vận động. Chính vì vậy mà DN gặp nhiều khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đực- Phó GĐ Cty Địa ốc Đất Lành, để đánh giá thực chất về các dự án có giảm xuống 30-50% hay không cần phải xem xét và đánh giá vào từng dự án. Xem xét dự án đó có qua “nóng sốt” hay không và đấy là những dự án đất nền, ví dụ như đáng lẽ ra bán từ 30-50 triệu/m2 thì chủ đầu tư lại hét lên 100 hoặc hơn 100 triệu đồng/m2, sau đó giảm xuống là có khả năng. Ngoài ra, những dự án chung cư quá cao cấp có giá hàng trăm triệu đồng/m2 thì có thể giảm được. Nhưng ngược lại, đối với dự án chung cư mà chủ đầu tư bán với giá từ 14-15 triệu đồng, thậm chí 12 triệu đồng/m2 thì việc giảm giá là không có cơ sở. Bởi lẽ, tiền xây dựng 1m2 chung cư theo định mức của Bộ Xây dựng đã là 7 triệu đồng/m2, nếu mang số tiền này chia cho 70% thì ra 10 triệu đồng/m2 thành phẩm, đấy là chưa kể lãi vay ngân hàng, tiền mua đất làm hạ tầng xã hội, tiền sử dụng đất…khi mà hiện nay DN bán 12-15 triệu đồng/m2 đã là quá thấp rồi, khó có thể giảm thêm được nữa. Còn Bộ Xây dựng nói giá BĐS giảm xuống 30-50% cần phải xem đấy là ở phân khúc nào? Đất nền hay những vùng nóng trước đây, các loại nhà chung cư cao cấp, còn đối với chung cư trung bình thì cực kỳ khó giảm, nếu giả sử có DN giảm thì cần phải xem xét lại.
Giảm giá xuống 30-50% khi DN chấp nhận lỗ
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, trong trường hợp DN quá oải nên giảm giá bán xuống 30-50% chấp nhận lỗ để lấy tiền nuôi dự khác với kỳ vọng kéo lại vốn. Tuy nhiên, nếu mà dự án mới tiếp tục lỗ thì rất có thể dẫn đến vỡ nợ. Do vậy không thể ép DN tiếp tục giảm giá bán xuống được. “Đối với dự án chung cư trung bình mà DN nào giảm giá xuống 30% thì chỉ có lừa đảo”, ông Đực khẳng định.
Đánh giá thêm về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm giải cứu thị trường BĐS, ông Đực chia sẻ: “Gói tín dụng này đã thất bại. Bởi lẽ, thứ nhất các Bộ, ngành đã không lường trước được sản phẩm phù hợp, thứ hai là không lường trước được các địa phương cản trở thủ tục chuyển căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ cũng như nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; thứ ba là do thủ tục cho vay quá phức tạp. Do ngân hàng yêu cầu xác định nhà ở, diện tích, thu nhập… quá nhiều cho nên người dân không thể vay được”.
Cũng theo ông Đực, nếu địa phương đồng loạt cho DN làm thủ tục một cách nhanh chóng, chỉ cần một tuần DN nộp hồ sơ lên đề nghị chuyển từ căn hộ lớn xuống căn hộ nhỏ mà được chấp thuận thì sẽ có thị trường ngay, còn bây giờ bắt DN làm thủ tục từ 6-7 tháng mới xong một hồ sơ thì quá lâu. “Để gói tín dụng giải ngân một cách nhanh chóng, các Bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu giảm tối đa thủ tục, nếu không sẽ thất bại”, ông Đực nhận định.