Bán giá "bèo" vẫn vắng bóng người mua
Theo khảo sát của PV, khá nhiều dự án đã xuất hiện tình trạng bán tháo đất dự án với giá rẻ giật mình chưa từng có từ trước tới nay nhưng vẫn không có khách mua.
Điển hình như dự án Vân Canh, giá các lô đất diện tích lớn 140m2 trở lên hiện còn 38-40 triệu đồng/m2. Khu đô thị Geleximco hiện có mức giá hấp dẫn, liền kề đường to khoảng 50-55 triệu đồng/m2, các lô nhà, biệt thự nằm trên trục chính có giá trên 100 triệu đồng/m2.
Tại khu C, các căn liền kề được chào bán nhiều ở mức giá 40 triệu đồng/m2, đường 11,5m giá 37 triệu đồng/m2, dự án Tân Tây Đô liền kề trên 30 triệu đồng/m2, dự án Nam An Khánh giá trên 30 triệu đồng/m2.
Giá BĐS tại Hà Nội tiếp tục giảm giá mạnh trước thời gian đáo hạn ngân hàng 31.12 đang đến gần. Ảnh: K.A
Dự án Thanh Hà đang được bán trên thị trường chỉ với giá 22-25 triệu đồng/m2, dự án đô thị mới Văn Khê giá 75 triệu đồng/m2, dự án Parkcity mức chênh lệch so với giá gốc giảm từ 300 triệu đồng/lô xuống còn 50 triệu đồng/lô, giá đất dự án Văn Phú (Lê Trọng Tấn kéo dài) hiện có mức trung bình 60-65 triệu đồng/m2 các khu nhà liền kề đường to, đường nhỏ khoảng 55-58 triệu đồng/m2.
Cùng với đó, ở khu đô thị Văn Khê, đối với nhà liền kề đường nhỏ mức dao động từ 80-84 triệu/m2, liền kề đường 17m2 là 100 triệu/m2, liền kề đường 24 m2 từ 105-110 triệu/m2. Riêng biệt thự, dao động trên dưới 70 triệu/m2 tùy thuộc vào đường, hướng đi.
Tại Văn Phú, dự án chung cư Victoria được giao dịch ở mức 19-21 triệu/m2 phụ thuộc vào hướng, còn nhà liền kề đường nhỏ giá từ 54 đến 60 triệu/m2.
"Thời điểm này mà vẫn chẳng có khách tới lui hỏi han, mua bán gì cả. Năm nay đúng là năm làm ăn thất bát với văn phòng giao dịch BĐS chúng tôi. Sang năm mà cứ cảnh thị trường èo uột thế này chắc phải tính cách làm ăn khác", một nhân viên ở sàn giao dịch BĐS ở phố Lê Văn Lương kéo dài than thở.
Nhiều động thái vẫn chưa "cứu" được thị trường
Theo một số chuyên gia trong ngành, việc tạo "sóng" trên thị trường BĐS hiện nay là rất khó. Thời điểm cuối quý IV, thị trường BĐS sẽ tiếp tục có các đợt bán tháo dự án bởi những doanh nghiệp nào phải đáo hạn trước ngày 31.12.2011 thì bắt buộc phải có nguồn tài chính đủ để đáp ứng nguồn cần trả. Chính bởi áp lực từ phía ngân hàng nên nhiều nhà đầu tư bằng giá nào họ cũng phải bán để thu tiền về.
Bên cạnh đó, với việc đổ vỡ tín dụng đen theo kiểu dây chuyền như hiện nay, trong đó liên quan rất nhiều đến thị trường BĐS... đang là những bằng chứng cho thấy thị trường này đang cực kỳ khó khăn, nhất là về nguồn vốn.
Trong một buổi họp báo mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chính thức ra thông điệp về Chính sách tiền tệ năm 2012, trong đó khẳng định sẽ có chính sách tín dụng cho BĐS. “Trong nền kinh tế của một nước đang phát triển như Việt Nam thì thị trường kinh doanh BĐS cũng là động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì từ tích cực có thể chuyển sang tiêu cực làm cho thị trường này phát triển quá mức, tạo ra những “bong bóng” gây rủi ro cho xã hội. Nếu thị trường BĐS đóng băng thì cũng có hệ lụy cho nền kinh tế nói chung. Do vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách nhìn thực tế để không làm cho bong bóng BĐS tăng lên nhưng đồng thời khơi dậy hoạt động thị trường ở mức độ hợp lý”.
Ngay sau thông điệp này, rất nhiều ngân hàng thương mại cũng đã quyết định hạ lãi suất cho vay xuống mức 19%/năm. Nhiều ngân hàng còn hỗ trợ khách hàng như cho vay thời hạn tới 20 năm, thời gian ân hạn tối đa tới 36 tháng…
Tuy nhiên, những động thái trên vẫn chưa có tác động nhiều tới thị trường BĐS. Minh chứng rõ nhất là giá BĐS vẫn đang lao dốc trước thời hạn 31.12 khi thời gian đáo hạn ngân hàng đang đến gần.