Nguồn cung dự án, căn hộ khan hiếm đã khiến giá bán một số dòng sản phẩm bất động sản tại các chung cư tăng mạnh. Động thái này đang buộc những người trẻ, những người có thu nhập thấp phải đi xa hơn nếu muốn mua nhà ở các thành phố lớn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đưa ra dẫn chứng một số dự án ở trục đường Tố Hữu (Hà Nội), trước đây có giá bán tầm 25 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên 27 - 30 triệu đồng/m2. Theo ông, người mua khó chấp nhận mức tăng đột biến này. Không chỉ bắt đầu tăng giá bán, có những dự án còn “găm" hàng chờ đẩy giá.

Nguồn cung dự án giảm mạnh ảnh hưởng đến kế hoạch mua nhà của nhiều hộ gia đình trẻ

Ông Đính cho biết, cùng với nguồn cung, lượng giao dịch cũng sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, tình trạng lệch pha cung - cầu có biểu hiển ngày càng rõ nét. Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, nguồn cung đang hạn chế, chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà ở trung và cao cấp. Phân khúc nhà giá rẻ, bình dân đang ngày càng khan hiếm. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.

Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh giá nhà tại Hà Nội và TP. HCM hiện nay quá cao so với thu nhập của người trẻ, thì nhà ở xã hội là một lựa chọn.

Thực tế hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân do chi phí giá đất, chi phí dự án vẫn đang gia tăng trong khi mức giá nhà ở xã hội đang bị đưa ra định mức, mức giá trần khiến doanh nghiệp e dè trong việc phát triển phân khúc này.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2. Hiện có 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn, tổng diện tích khoảng 8.982.000 m2 đang được tiếp tục triển khai.

Riêng trong năm 2019, Bộ đã hoàn thành chín dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 205.500 m2

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả này chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phấn đấu đến năm 2020 là xây dựng 12.500.000 m2 nhà ở xã hội).

Để tạo điều kiện cho người nghèo đến gần hơn với giấc mơ có nhà, Bộ Xây dựng cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm phát triển nhà ở xã hội; sử dụng đúng khoản tiền các chủ đầu tư nộp tương đương giá trị quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Trong năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung – cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hoá bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho thuê.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2734 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Theo đó, mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11, Thông tư số 32 và Thông tư số 25 là 5%/năm. Theo Thông tư 11, đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng.
Theo Petrotimes
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.