Giá thép giảm về đáy gần 3 năm
Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục có thông báo hạ giá thép thanh vằn D10 CB300 từ 100.000-200.000 đồng/tấn, trong khi giá thép cuộn CB240 được giữ nguyên so với lần điều chỉnh 1 tuần trước đó.
Giá thép trong nước giảm về đáy gần 3 năm
Theo dữ liệu từ SteelOnline, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc đã giảm 100.000 đồng cho mỗi tấn thép thanh vằn D10 CB300 về mức 14,14 triệu đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã hạ giá ở cả hai loại thép phổ biến, đẩy giá thép cuộn CB240 về còn 14,04 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung và miền Nam, thương hiệu này cũng giảm 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300, trong khi dòng thép cuộn CB240 được giữ nguyên so với lần điều chỉnh trước đó.
Hiện giá thép thanh vằn D10 CB300 của Hòa Phát tại miền Trung đang ở mức 13,99 triệu đồng/tấn, còn dòng thép cuộn CB240 vẫn giữ giá 13,84 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán 2 sản phẩm này ở miền Nam lần lượt là 14,09 triệu đồng/tấn và 14,14 triệu đồng/tấn.
Tương tự, mức giảm 100.000 đồng/tấn cũng được các hãng Việt Ý, Việt Nhật, Kyoei Việt Nam, Pomina áp dụng. Thép Miền Nam giảm 150.000 đồng một tấn cho thép thanh vằn D10 CB300.
Riêng Thép Thái Nguyên giảm 200.000 đồng/tấn đối với cả 2 loại thép trên. Hiện giá thép thanh vằn D10 CB300 còn 14,23 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 ở mức 14,08 triệu đồng/tấn.
Cùng xu hướng, thép Tung Ho cũng giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, xuống 13,96 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 giảm 110.000 đồng/tấn, còn 13,8 triệu đồng/tấn.
Như vậy, sau 15 lần điều chỉnh liên tiếp, giá thép trên thị trường hiện về dưới 14 triệu đồng/tấn, đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoei, Pomina...
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Hiện các dự án dân dụng khởi công ít, dự án cao tốc không đủ tạo cú hích cho thị trường. Khối xây dựng tư nhân cũng tạm thời đang chờ đợi thêm những tín hiệu khác trước khi xuống tiền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Thống kê của VSA cho thấy, bán hàng thép các loại của cả nước trong tháng 6/2023 đạt gần 2,2 triệu tấn, giảm hơn 6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2022. Chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất còn khoảng 149.000 tấn thép.
“Xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới”, VSA nhận định.
Kỳ vọng vào đầu tư công
Mùa mưa - cơn ác mộng của ngành xây dựng và ngành thép đang đến. Và mùa mưa cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép.
Thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7-9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong thời gian tới.
Thị trường thép trông chờ vào những dự án đầu tư công
VSA cho biết, ban đầu hiệp hội dự báo là nửa cuối năm nay ngành thép sẽ phục hồi nhưng đến thời điểm này, có vẻ chúng tôi hơi lạc quan bởi vì quý 3 còn vướng vào mùa mưa bão. Vào tháng 7 âm lịch hàng năm tại Việt Nam, ít công trình dân dụng khởi công. Đấy là lý do tại sao phải cuối quý này, đầu quý 4/2023 may ra mới phục hồi.
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng hiện tại, một số doanh nghiệp thép kỳ vọng các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ nhu cầu thụ sắt thép trong nước phục hồi.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vào cuối tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đến hết ngày 30/6, cả nước đã giải ngân được hơn 215.000 tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch đề ra. Con số này cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 27,75%; số tiền tuyệt đối đến nay đã cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 65.000 tỷ đồng.
Theo VSA, đối với lĩnh vực đầu tư công, ngành thép kỳ vọng nhiều hơn vào các dự án xây dựng cầu, cống bởi đây là những công trình tiêu thụ nhiều thép. Còn với những dự án xây đường thì mức hưởng lợi chỉ là “gián tiếp” ở các hạng mục như lan can. Các cấu phần khác lớn hơn như mặt đường thì chủ yếu là nhựa, đất nền, cát còn thép không nhiều.
Hiện tại, sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Do đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho rằng việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp xây dựng.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành thép trong nước tăng trưởng.
-
Bước vào mùa mưa, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm sâu
Mặc dù giá thép xây dựng trong nước đang giảm mạnh nhưng việc kinh doanh, tiêu thụ vẫn ảm đạm do sức mua yếu.
-
Gần 3 tháng, giá thép trong nước giảm liên tiếp… 13 lần
Nhiều doanh nghiệp trong nước thông báo giảm giá thép lần thứ 13 liên tiếp trong 3 tháng qua với mức giảm lên đến 1,5 triệu đồng/tấn.
-
Giá thép xây dựng “nhảy múa” thế nào từ đầu năm đến nay?
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá mặt hàng thép xây dựng đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá bán, trong đó có 6 lần tăng và 11 lần giảm liên tiếp.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.