Mặc dù giá thép xây dựng trong nước đang giảm mạnh nhưng việc kinh doanh, tiêu thụ vẫn ảm đạm do sức mua yếu.

Ngày 14/7, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt hạ khoảng 110.000-410.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện giá thép xây dựng trong nước của nhiều doanh nghiệp đã về dưới mức 14 triệu đồng/tấn sau 14 lần giảm giá liên liên tiếp kể từ đầu năm.

Giá thép xây dựng liên tục giảm trong nhiều tháng qua, nhưng mức tiêu thụ vẫn ở mức thấp

Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 140.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300. Tại miền Trung và miền Nam, giá loại thép này cũng được giảm 150.000 đồng/tấn. Giá sau điều chỉnh ở 3 miền lần lượt là 14,24 triệu đồng/tấn; 14,19 triệu đồng/tấn và 14,09 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước đó.

Cùng xu hướng, thương hiệu thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 150.000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300, xuống còn 13,99 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 vẫn giữ ở mức giá 13,74 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 150.000 đồng/tấn với sản phẩm thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14,09 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép cuộn CB240 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 13,84 triệu đồng/tấn.

Trong đợt điều chỉnh lần này, thép Pomina tại miền Trung giảm 310.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 và 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240. Sau điều chỉnh, giá 2 dòng thép này lần lượt là 14,79 triệu đồng/tấn và 14,59 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, thương hiệu này cũng giảm 410.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, về mức giá 14,69 triệu đồng/tấn và giảm giá thép CB240 thêm 310.000 đồng/tấn xuống còn 14,48 triệu đồng/tấn.

Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận điều chỉnh giảm giá như thép Miền Nam, Tung Ho, thép Thái Nguyên, Việt Sing, Việt Mỹ...

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục, điều chỉnh giá bán giảm dần. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều.

Thị trường thép kỳ vọng khởi sắc về cuối năm

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam (MXV), sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Vì thế, việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt thép trong nước tăng trưởng.

Giá sắt thép giảm cũng sẽ góp phần làm hạ nhiệt áp lực lạm phát đối với nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Theo Tổng cục Thống kê, xét trong tháng 6/2023, chỉ số nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng chỉ tăng 0,07% so với tháng 5. Những tác động từ việc giá điện tăng đã được bù đắp lại bởi sự sụt giảm của giá quặng sắt.

MXV cho biết, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép nội địa trong tháng 5/2023 đã có sự cải thiện so với tháng trước đó. Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý 4, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ.

“Đầu tư công gia tăng đối với các dự án cơ sở hạ tầng sẽ là lực kéo giúp thị trường sắt thép nội địa vượt khó trong cuối năm nay," ông Phạm Quang Anh đánh giá.

  • Ngành thép vẫn khó, nhất là khi mùa mưa đang đến

    Ngành thép vẫn khó, nhất là khi mùa mưa đang đến

    Đó là nhận định của Chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo mới đây về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh ngành thép nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, đơn vị này còn lưu ý, quý 3 là mùa thấp điểm của ngành thép.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.