05/09/2017 8:00 AM
Các chuyên gia về chất lượng xây dựng khuyên người dân nên chọn phương pháp thi công phù hợp để bảo đảm an toàn cho nhà bên cạnh.
Ngày 4-9, cơ quan chức năng cho biết hiện đang xác định trách nhiệm của các bên liên quan để có phương án giải quyết vụ sập nhà dân trên đường Tân Sơn Hòa, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM xảy ra trong đêm 2-9.
Thông tin ban đầu “do căn nhà đó (công trình 43-45 Tân Sơn Hòa - PV) đào móng sâu quá, gây sụp lún móng của nhà bên cạnh”.
Xung quanh vấn đề này, nhiều bạn đọc thắc mắc luật quy định về trách nhiệm của bên gây thiệt hại (nếu có) ra sao.
Bên có lỗi phải chịu trách nhiệm
Theo quy định của Luật Xây dựng, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị phải đáp ứng được điều kiện: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử -văn hóa…
Nếu có căn cứ cho rằng việc xây nhà là nguyên nhân dẫn đến việc sập nhà hàng xóm thì chủ nhà này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng (nếu có) cho người bị thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 (về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra) quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho hay trong trường hợp nếu nguyên nhân khiến hai căn nhà trên đường Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình là do một công trình gần đó đào móng quá sâu, gây sụp lún thì chủ sở hữu công trình xây dựng này phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hai căn nhà bị thiệt hại.
Trường hợp trong quá trình thi công mà chủ thầu xây dựng cũng có lỗi trong việc thi công công trình dẫn đến việc làm thiệt hại cho hai căn nhà trên thì phải liên đới bồi thường với chủ sở hữu công trình.
Trong trường hợp nếu kết luận giám định của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây ra vụ đổ sập không phải là do công trình gần đó gây ra, mà là do căn nhà ba tầng trước đó đã không đảm bảo an toàn nên bị đổ sập, đè nhà 47 Tân Sơn Hòa cách đó một phần đất trống thì chủ sở hữu căn nhà ba tầng này phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu căn nhà 47 Tân Sơn Hòa.
Hiện trường vụ sập nhà ở đường Tân Sơn Hòa (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) vào tối 2-9. Ảnh: NT
Bồi thường kịp thời
“Căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định” - luật sư Nguyễn Đức Chánh cho biết.
Ngoài ra, theo luật sư: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường thì có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Cần kiểm tra nhà xung quanh
Liên quan đến việc xây dựng nhà, một số chuyên gia xây dựng cho hay khi xây nhà cao tầng cần tổ chức khảo sát địa chất công trình trước khi thi công với mục đích là thu thập tài liệu về các lớp đất, các đặc trưng kết cấu để làm cơ sở tính toán cấu tạo móng cho phù hợp và lựa chọn các biện pháp thi công.
Trong giai đoạn xây nhà, chủ nhà cần làm một số công tác đối với hàng xóm, dân cư trong khu vực. Cụ thể, nên sang nói chuyện, xin phép về việc khởi công sắp tới, nhờ họ tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình xây dựng. Đồng thời cũng nên thẳng thắn đề nghị kiểm tra hiện trạng của các căn nhà trong khu vực xung quanh để khi xây dựng, nếu làm ảnh hưởng đến nhà họ (rạn nứt kết cấu, lún sụt nhà…) thì có cơ sở cụ thể để thương lượng bồi thường.
Đây cũng là cách tránh được tình trạng “đục nước béo cò”, có thể tình hình xuống cấp, hư hỏng nhà họ xảy ra trước khi nhà của mình được xây nhưng mình vẫn phải chịu trách nhiệm…
Nhà sập trong đêm
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, khoảng 21 giờ ngày 2-9, người dân phát hiện căn nhà 41 Tân Sơn Hòa (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) bị lún nứt, nguy cơ sập đổ. Khi chưa kịp đưa tài sản ra ngoài thì sự cố xảy ra, căn nhà ba tầng bị sập hoàn toàn. Căn nhà 47 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cạnh đó, căn nhà 49 cũng bị đè sập tường, nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng, xáo trộn. Một số phòng bị sập trơ khung, người dân phải ôm đồ đạc di chuyển ra ngoài tá túc qua đêm chờ khắc phục sự cố.
Lực lượng chức năng đang tiến hành khắc phục sự cố, tìm kiếm tài sản cho người dân, đồng thời mời những người liên quan làm việc để làm rõ vụ sập nhà gây hậu quả nghiêm trọng này…
Nguyễn Hiền (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.