Giai đoạn cao điểm
Thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được tính đến hết ngày 31-1-2021. Như vậy, chỉ còn gần 10 ngày để các đơn vị hoàn thành các phần việc và tất toán đầu tư của năm. Hiện nay, các chủ đầu tư tăng tốc hết mức để đạt được mục tiêu giải ngân 100% số vốn. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31-12-2020, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn được Thủ tướng giao đạt 54,5%; so với kế hoạch vốn tỉnh giao đạt 84%. Đến ngày 15-1, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn được Thủ tướng giao đạt 56,2%; so với kế hoạch vốn được tỉnh giao đạt 86,7%; có 16 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân của tỉnh, 13 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của tỉnh.
Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu kết luận.
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số đơn vị cho biết, tính đến ngày 21-1, tỷ lệ giải ngân tiếp tục có thay đổi. Nhiều chủ đầu tư từ giải ngân thấp trở thành đơn vị giải ngân cao, như Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong từ 74,6% (thời điểm 31-12-2020) đến nay tỷ lệ giải ngân đã đạt 100%; Sở Giao thông vận tải đạt 97%, Sở Thông tin Truyền thông đạt 98,1%...
Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu. Ông Nguyễn Văn Nhựt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân thấp như yếu tố dịch bệnh, thủ tục cho nguồn vốn ODA và vốn Trung ương kéo dài thì còn do những nguyên nhân chủ quan. Đó là, năng lực đội ngũ tham gia vào công tác quản lý dự án ODA một phần chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; thời gian thực hiện thủ tục về đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước còn kéo dài. Khi bồi thường giải tỏa, công tác kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án chậm, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải tỏa
Chỉ còn khoảng 10 ngày để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án đã thực hiện gần hết khối lượng công việc song vẫn lo lắng không thể hoàn thành giải ngân 100% vốn. Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết: “Tính đến ngày 21-1, tỷ lệ giải ngân của ban đã đạt 93% nhưng khả năng chậm tiến độ vẫn có thể xảy ra. Nhiều hạng mục thi công hiện rất chậm và rủi ro mất vốn cao. Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang đến nay vẫn chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng. Vì vậy, ban kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn mới có thể giải ngân đúng tiến độ”.
Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Để hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2020, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư tập trung đẩy mạnh giải ngân theo số vốn đã cam kết. Trường hợp không thực hiện giải ngân vốn đúng cam kết do nguyên nhân chủ quan, sở đề nghị UBND tỉnh không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan; điều chuyển vốn cho chủ đầu tư khác thực hiện. Đối với các dự án vướng mắc về công tác bồi thường giải tỏa và thủ tục đầu tư, sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở quản lý chuyên ngành, địa phương nơi thực hiện dự án và đơn vị liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm và báo cáo tình hình thực hiện.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Hữu Hoàng đánh giá cao những nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương trong thời vừa qua. UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải gấp rút giải ngân trước ngày 31-1; các sở, ngành liên quan cần sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đầu tư công. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tôn vinh các đơn vị có mức giải ngân đạt hơn 95%. Đối với những đơn vị có mức giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh tính đến ngày 15-1 (86,7%), UBND tỉnh yêu cầu phải có giải trình; đồng thời, phải có giải pháp để đến hết ngày 31-1 đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất. Ông cũng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa để làm cơ sở cho việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; ưu tiên thực hiện những dự án trọng điểm, dự án vốn ODA. Trong quý I/2021, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn ODA.
-
Bị doanh nghiệp chiếm dụng đất, Trường Sĩ quan Không quân kêu cứu UBND tỉnh Khánh Hòa
Khu đất quốc phòng hơn 6.000m2 nằm ở phía Đông sân bay Nha Trang (cũ) đã bị Cty TNHH Tân Thành và Cty Cổ phần Nam Khánh ngang nhiên chiếm dụng, xây dựng trái phép trong nhiều năm qua. Đơn vị chủ quản khu đất này là Trường Sĩ quan Không quân (gọi tắt SQKQ, trực thuộc Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân) không thu hồi được, liên tục phải “cầu cứu” UBND tỉnh Khánh Hòa.
-
Quy hoạch mới khu vực phía Tây thành phố Nha Trang quy mô hơn 1.400 ha
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Quyết định Số 147/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu vực phía Tây thành phố Nha Trang.
-
Khánh Hòa vừa điều chỉnh quy hoạch khu dân cư quy mô hơn 500 ha tại thành phố Nha Trang
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 148/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu dân cư phường Vĩnh Hải – Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.
-
Cập nhật tiến độ dự án khu đô thị hơn 85.000 tỷ đồng tại tỉnh Khánh Hòa
UBND thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) vừa báo cáo tiến độ triển khai dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.