Chiều 9-1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Giải quyết khiếu nại về đất đai, đền bù, giải tỏa” thông qua website http://thanhtravietnam.vn.

Theo Thanh tra Chính phủ, khiếu nại liên quan đến đất đai, đền bù, giải tỏa chiếm tới gần 80% tổng số các vụ khiếu nại trong thời gian qua. Hầu hết các vụ khiếu nại đông người, phức tạp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước cũng phát sinh trong lĩnh vực đất đai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như nhận thức lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cơ chế chính sách, pháp luật...


Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Phùng Thanh Sơn cho biết, theo Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 về diện Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế. “Theo quy định này, đối với những người đã được chia ruộng trước đây, nếu nay đã mất mà không có người thừa kế thì Nhà nước thực hiện việc thu hồi lại số ruộng đất này”, ông Sơn trả lời.

Với câu hỏi người dân có thể vừa khiếu nại đến cơ quan hành chính vừa khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân, ông Văn Tiến Mai, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ, cho biết trên thực tế đã có những trường hợp này.


“Luật Tố tụng hành chính đã xác định trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Như vậy, trong cùng một thời điểm người khiếu nại chỉ được lựa chọn một cơ quan để giải quyết khiếu nại. Nếu đã khởi kiện thì phải tuân theo các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”, ông Mai giải thích.

Chánh Thanh tra Bộ TN-MT Lê Quốc Trung cho rằng nếu người dân không đồng ý với mức bồi thường áp dụng theo đơn giá do UBND tỉnh, thành phố công bố hàng năm, có thể khiếu nại đơn vị phê duyệt giá bồi thường. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, việc người dân xây nhà ở trên đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa từ trước năm 1993, nay muốn xây dựng lại nhà không được cấp phép xây dựng vì xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở là không hợp pháp, không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng.


“Nay người dân có yêu cầu cấp lại đất thổ cư là không có cơ sở để giải quyết. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở đối với những tồn tại trước 15-10-1993 (Luật Đất đai có hiệu lực), trong trường hợp hiện trạng sử dụng của người dân phù hợp với quy hoạch khu nhà ở hoặc khu đô thị do cấp có thẩm quyền phê duyệt thì có thể làm đơn đề nghị chính quyền sở tại để được xem xét, giải quyết”, ông Hạnh thông tin.


Một số ý kiến hỏi dự án làm đường theo hình thức BOT (thu phí) Nhà nước thu hồi đất có bồi thường theo giá thị trường không? Người dân có được đề nghị đổi đất khác có cùng mục đích giá trị tương đương? Nếu không theo giá thị trường mà Nhà nước bồi thường giá thấp thì người dân phải làm gì? Chánh Thanh tra Bộ TN-MT Lê Quốc Trung cho biết, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án làm đường theo hình thức BOT, giá đất được tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do UBND cấp tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng.


Trường hợp tại thời điểm có quyết định thu hồi giá này chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp. Nếu người dân chưa nhất trí với quyết định về giá đất đền bù của UBND cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo Lâm Nguyên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland