30/03/2012 12:45 AM
Trong khi nhiều công ty đang khó khăn, hoạt động mua bán & sáp nhập tăng trưởng mạnh trong năm 2011 và sẽ còn nhiều thỏa thuận được ký kết trong năm 2012.
Tòa tháp tài chính Bitexco 68 tầng tại thành phố Hồ Chí Minh được khánh thành năm 2010. Tòa nhà có sân đỗ trực thăng tại tầng 50, tại mọi góc của thành phố Hồ Chí Minh, người ta đều có thể nhìn thấy tòa tháp Bitexco.

Thế nhưng đối với những người chủ sở hữu tòa nhà, không phải có quá nhiều lý do để lạc quan. Gần 18 tháng sau, khoảng một nửa không gian văn phòng của tòa nhà vẫn còn trống và 6 tầng thuộc khu bán lẻ vẫn còn khá vắng vẻ. Năm 2011, lãi suất cho vay lên đến mức khoảng 23%, nhiều người còn đồn đoán chủ sở hữu của tòa nhà đang cố gắng bán tòa nhà để trả nợ xây dựng.

Ông Vũ Quang Hội, chủ tịch của Bitexco, tập đoàn kinh doanh đa ngành của Việt Nam hiện đầu tư vào khoảng hơn 12 dự án bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai mỏ, tuyên bố: “Tòa tháp tài chính Bitexco là niềm tự hào của chúng tôi và chúng tôi sẽ không bán nó đi. Hiện tại là khoảng thời gian khó khăn đối với các doanh nghiệp thế nhưng cũng chính thời điểm này chúng tôi cần phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn.”

Thế nhưng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng có tư tưởng lạc quan như ông Hội. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có đến 20 địa điểm được coi như đất vàng, thế nhưng chỉ 2 dự án được hoàn thành và 2 dự án khác đang được triển khai xây dựng; 16 dự án còn trống.

Giá thuê văn phòng hạng A đã giảm gần 50% từ năm 2009. Trong báo cáo công bố vào tháng 1/2012, công ty bất động sản hàng đầu CB Richard Ellis Vietnam đã chỉ ra lạm phát, lãi suất cao và sự mất giá của tiền đồng đã tạo ra “cơn ác mộng” trên thị trường bất động sản nhà ở; các công ty kinh doanh bất động sản tăng ngân quỹ tiếp thị sản phẩm lên gấp 3 lần thế nhưng chưa bán được đến 30% tổng lượng hàng mà họ đang còn nắm giữ.

Một số công ty hàng đầu, kể cả công ty tư nhân cũng như công ty thuộc sở hữu nhà nước, đang nợ nần khá nhiều và dù chưa một công ty nào tuyên bố phá sản nhưng họ cũng khó có thể tiếp tục đầu tư khi chi phí vốn quá cao. Ở Việt Nam hiện nay, người ta nói với nhau: “Đã đến lúc nhặt xác chết trên thị trường.”

Vậy xác chết ở đâu? Nhiều công ty lớn của Việt Nam giữ kín về thực trạng tài chính của họ, họ thực hiện thỏa thuận một cách kín đáo, một số người có tiền tranh thủ mua tòa nhà chưa hoàn thành, khu tổ hợp căn hộ và một số dự án khác ở mức giá gần chạm đáy. Hiện nay, không ít tài sản kiểu như vậy đang được các ngân hàng tiếp quản.

Ông Don Lam, CEO của VinaCapital, một tổ chức quản lý quỹ, khẳng định họ đang làm việc với một ngân hàng lớn, xem xét danh sách những con nợ trong lĩnh vực bất động sản để hồi sinh lại một số dự án còn dang dở. Nếu biện pháp này của VinaCapital phát huy hiệu quả, nhà đầu tư mới sẽ có thể tiếp quản nợ cũ với điều kiện lãi suất được giữ nguyên trong 2 năm.

Trong khi nhiều công ty đang khó khăn, hoạt động mua bán & sáp nhập đã tăng trưởng mạnh trong năm 2011 và sẽ còn nhiều thỏa thuận được ký kết trong năm 2012. Chỉ số VnIndex, sau khi giảm khoảng 29% trong năm 2011, đã tăng được 31% trong năm 2012.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang yêu cầu khoảng hơn 10 ngân hàng thương mại tái cơ cấu bởi những vấn đề về thanh khoản có nguyên nhân do nợ xấu.

Nhiều công ty lớn khác cũng đang cố gắng nắm bắt cơ hội. Tập đoàn Masan, hiện đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khai mỏ và hàng tiêu dùng, đang cố gắng mở rộng quy mô. Với lượng tiền mặt nắm giữ khoảng 600 triệu USD, trong năm 2011 tập đoàn đã mua lại 51% cổ phần của Vinacafe, công ty sản xuất cà phê hòa tan và nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng khác.
Theo TTXVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.