Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa công bố đã nhận được 3 quyết định từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình.

Văn bản công bố thông tin do bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc FLC ký tên.

Dự án của FLC tại Quảng Bình

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ban hành 3 quyết định vào ngày 29/7, về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty CP Tập đoàn FLC mở tại 3 ngân hàng gồm: OCB chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh quận 1, TP.HCM và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.

Lý do bị cưỡng chế do Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp, phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế. Trong đó tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 223,6 tỉ đồng.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án do FLC và công ty liên quan là chủ đầu tư.

Công văn đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về phê duyệt, triển khai thực hiện nghĩa vụ tài chính tại 10 dự án bất động sản mà chủ đầu tư là FLC, Xây dựng FLC Faros, Đầu tư du thuyền và sân golf FLC Biscom.

Cục Thuế Quảng Bình xác nhận Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang nợ tổng cộng 451 tỉ đồng tiền thuê đất, trong đó nợ quá hạn 220 tỉ đồng.

Số tiền nợ quá hạn này là của dự án trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với diện tích khoảng 1.954 ha. Dự án này được tỉnh Quảng Bình cho thuê đất trả tiền một lần.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2, đến thời điểm 30/6/2022, FLC có số dư tiền và tương đương tiền 299 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 78 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng.

Quy mô nợ vay ngắn và dài hạn của FLC tính tới cuối quý 2 là hơn 5.100 tỉ đồng, giảm hơn 1.000 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn tăng thêm hơn 600 tỉ đồng lên 2.676 tỉ đồng, vay dài hạn giảm từ 4.169 tỉ xuống 2.450 tỉ đồng.

Với các khoản vay dài hạn, FLC và các công ty thành viên đã tất toán xong khoản nợ hơn 1.900 tỉ đồng với Sacombank. Chủ nợ lớn nhất với FLC tới cuối quý 2 là BIDV chi nhánh Quy Nhơn với dư nợ hơn 1.100 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bảng cân đối của FLC có thêm những khoản vay ngắn hạn theo hình thức tín chấp từ những chủ nợ mới. Trong đó, ông Lê Thái Sâm cho FLC vay tín chấp hơn 620 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay và vay 185 tỉ đồng từ Tập đoàn Homeliday.

Với khoản vay từ ông Lê Thái Sâm, có 4 hợp đồng vay có thời hạn 12 tháng, lãi suất 7% mỗi năm, được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6/2022.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm