Trong khi những nhà đầu tư “lão làng” cẩn trọng quan sát, chờ tín hiệu thị trường rõ ràng hơn thì nhóm nhà đầu tư F0 đang miệt mài giải ngân vào bất động sản.

Sức cầu đầu tư năm 2021 sẽ bằng khoảng 70% năm 2019

“Cậu có đầu tư bất động sản không?”

Đó là câu hỏi cửa miệng của Thảo, 30 tuổi, khi tán gẫu với bạn bè trong các cuộc gặp gỡ cuối năm vừa qua, nhưng thật ra câu hỏi này chỉ để Thảo mào đầu cho chuyện của mình khi sau đó cô kể vanh vách mấy dự án đất nền mới ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc… mà mình mới xuống tiền.

Sự thông hiểu về giá cả, cách vào tiền, thủ tục vay vốn… và cả những nguồn tin về kế hoạch chuyển dịch trung tâm thành phố mới về gần dự án mà cô vừa mua sản phẩm đã được lãnh đạo tỉnh thông qua thế nào khiến người viết rất ngỡ ngàng bởi chỉ trước đó vài tháng, Thảo còn hỏi “đầu tư bất động sản như thế nào, đầu tư có khó không, làm sao để có lãi?”

Nhà đầu tư được định danh là lứa F0 trong làng địa ốc này kể rằng, sau cuộc “chat chit” lúc nửa đêm với một môi giới quen từ trước, thấy ham quá, cô mới bàn với chồng về việc rút quyền sổ tiết kiệm gần 400 triệu đồng để đầu tư bất động sản. Ban đầu, hai vợ chồng còn to tiếng, thậm chí “sứt đầu mẻ trán”, nhưng rồi cô vẫn quyết và sau lần đầu “lướt” được miếng đất ngay gần nhà với khoản lãi hơn 50 triệu đồng chỉ sau có hơn một tháng đầu tư, chồng cô cũng đồng ý cho cô theo nghề “cạp đất, ăn tiền”.

Từ việc thời gian rảnh rỗi chơi game, nhịp sống của Thảo thay đổi chóng mặt kể từ khi theo nghề “bám đất”. Sáng vào forum, lướt web xem các bài phản ánh thị trường, các dự báo, tối thì ngồi “buôn chuyện” qua mạng với bạn bè để rủ rê đầu tư.

Cũng là một người mới bước chân vào đầu tư bất động sản không lâu, Phương Anh, 31 tuổi, thậm chí còn nghỉ hẳn công việc tại một đơn vị hành chính sự nghiệp để quay sang bán hàng online, đồng thời nhận ship hàng xuyên biên giới kèm theo đầu tư đất đai.

“Tôi không thích bị ràng buộc giờ giấc. Tôi thích tự do làm điều mình thích, mình muốn và tự quyết định thu nhập của mình”, Phương Anh cho biết, chồng cô, một nhân viên tín dụng ngân hàng cũng thích bất động sản và một phần lớn thời gian gần đây, giao tiếp giữa hai người là câu chuyện có miếng đất nào ngân hàng đang bán đấu giá hay có người nào đang vay ngân hàng nhưng không trả nổi để thử ép giá mua lại với giá rẻ, hoặc khu đất nền nào đáng giá để đầu tư.

Không những vậy, nhà đầu tư F0 này còn cho biết, dạo gần đây, để đa dạng danh mục, hai vợ chồng còn trích một khoản lãi thu được trong việc bán mảnh đất hôm trước để đầu tư chứng khoán “cho biết cảm giác trên sàn”.

Bất động sản đang nóng lên bất thường ở một số huyện có khả năng lên quận tại Hà Nội

Một thế hệ F0 mới chuyên nghiệp

Thảo hay Phương Anh là hai trong nhiều điển hình của một thế hệ nhà đầu tư mới xuất hiện trên thị trường bất động sản hiện nay. Họ quay trở lại, hay nói chính xác hơn là “bắt đầu” với thị trường bất động sản ở một thời điểm mà giá trị nhiều tài sản đang bị hạ thấp bởi Covid-19.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, bắt đầu bằng câu hỏi “trong thời điểm suy thoái, để tiền mặt ngân hàng làm gì?” rồi tự trả lời rằng việc đầu tư vào bất động sản là hấp dẫn. Khi những nhà đầu tư gạo gội còn lo lắng liệu thị trường có tăng hay không thì Thảo hay Phương Anh và khá nhiều người khác đã nhanh chóng có cái “đầu lạnh” ngược dòng thị trường để kiếm tiền.

Qua rồi thời tư duy “nhà đầu tư F0” chủ yếu là tiền mặt nhưng thiếu kinh nghiệm và kiến thức, thực tế cho thấy, lớp nhà đầu tư này rất nhanh nhạy và chỉ một thời gian ngắn là có thể xếp vào hàng “Professinal”, hay còn gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, bất chấp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, thanh khoản dù giảm, nhưng mức giảm không quá mạnh và đặc biệt rất nhanh chóng bật tăng lại, đặc biệt là sau giai đoạn từ tháng 8/2020, tương ứng đợt bùng phát Covid-19 thứ 2.

Cụ thể, năm 2020 đã có trên 17.000 giao dịch thành công ở hai thị trường chính là Hà Nội, TP.HCM trên các phân khúc, trong đó phân nửa giao dịch là từ giai đoạn nửa cuối quý III/2020 và quý IV/2020.

Đặc biệt, đóng góp cho lượng thanh khoản của 2 thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS cho biết phần lớn nhờ vào sự gia nhập của nhóm nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư F0. Nhóm nhà đầu tư này nói một cách ví von là “không có gì ngoài tiền” và mức độ sẵn sàng chịu chơi với phong cách đầu tư “đánh cả cụm”.

Tại nhiều dự án, mỗi nhà đầu tư ôm từ vài đến vài chục lô đất cùng một lúc. “Không sợ đất mất giá, chỉ sợ không có tiền ôm thêm nhiều lô nữa”, Hương, một tiểu thương biên giới tại Lào Cai nhấn mạnh với người viết. Trung Quốc bùng dịch trở lại, giao thương biên giới bị gián đoạn, không có hàng để bán, dẫn tới việc cô quyết định chuyển hướng tiền vốn vào ôm mấy lô đất tại một dự án ngay gần nhà.

Sóng F0 sẽ là điểm nhấn 2021

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group cho biết, khi dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế “thấm mệt”, nhiều người kinh doanh ở các lĩnh vực khác để bảo toàn vốn đã dồn vốn vào mua bất động sản.

Bên cạnh đó, những tín hiệu cho thấy thị trường có thể sớm hồi phục trở lại cũng tạo ra động lực cho nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy tận dụng cơ hội này để mua lại các bất động sản giảm giá rồi tìm kiếm cơ hội bán lại. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế khởi sắc và mặt bằng giá các sản phẩm bất động sản tăng trở lại, thị trường có thể kỳ vọng thêm sự gia nhập của nhóm F0 mới, nhất là nhóm F0 sau khi đã chốt lời từ thị trường chứng khoán thời gian vừa qua để vào bất động sản như một kênh đầu tư “trú ẩn” an toàn.

Theo dự báo của ông Đính, nhu cầu ở thực và đầu tư nhà đất sẽ đạt mức khoảng 70% của năm 2019 và một phần nhóm đầu tư ngắn hạn vào các thị trường khác như vàng, chứng khoán sẽ quay trở lại thị trường truyền thống bất động sản.

Những diễn biến trên thị trường cũng cho thấy, đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sản phẩm này sẽ khan hiếm dần vì các địa phương đang hạn chế phát triển dự án đất nền, chỉ còn chủ yếu ở những dự án đấu giá.

Về nguồn cung, theo ghi nhận của VARS, trong hai quý đầu năm 2021, chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có hàng vạn sản phẩm đa dạng các phân khúc được ra hàng.

Với Hà Nội, khu vực phía Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng sản phẩm lớn nhất; còn tại TP.HCM, sẽ có khoảng 20 dự án chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với đủ loại phân khúc.

Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, nhóm nhà đầu tư F0 nhiều tiền nhưng cũng khá mạo hiểm, là động lực quan trọng khiến thị trường bất động sản nóng lên ở một số huyện chuẩn bị lên quận tại Hà Nội như Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức… và dẫn đến nguy cơ sốt nóng, nên cần phải giám sát một cách chặt chẽ hơn.

Ninh Trang (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.