Gần ba phần tư lãnh đạo doanh nghiệp (72%) sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 2/2025, ghi nhận mức 61,1 điểm, giảm nhẹ so với quý trước. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn thể hiện sự kiên cường và kỳ vọng rõ nét vào triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
“Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào môi trường đầu tư nơi đây,” Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert chia sẻ. “Gần ba phần tư lãnh đạo doanh nghiệp (72%) cho biết họ sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư – một xu hướng nhất quán qua những kỳ BCI gần đây. Xu hướng này chứng tỏ một niềm tin sâu sắc đặt vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam”, ông nói.
Niềm tin bền bỉ giữa làn sóng căng thẳng thương mại toàn cầu
Bất chấp những biến động ngày càng phức tạp trên thị trường quốc tế, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn được duy trì vững vàng. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang và chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều áp lực rủi ro, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn ghi nhận rõ năng lực phục hồi của Việt Nam...
Các phản hồi từ khảo sát BCI quý này ghi nhận mối quan tâm sâu sắc của doanh nghiệp đối với những diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan. Nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay, đây là yếu tố cần được theo dõi sát sao và phân tích kỹ lưỡng nhằm ứng phó kịp thời với các thay đổi chính sách quốc tế...
Tuy nhiên, chỉ 15% doanh nghiệp ghi nhận thiệt hại tài chính thực tế, trong khi 70% không bị ảnh hưởng và 5% thậm chí ghi nhận lợi nhuận ròng tích cực.
Giấy chứng nhận xuất xứ ứng dụng chuyển đổi số cao
Một trong những công cụ then chốt giúp doanh nghiệp duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh thương mại toàn cầu phức tạp chính là Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) – một tài sản chiến lược không chỉ đảm bảo quyền tiếp cận ưu đãi thuế quan, mà còn là nền tảng củng cố niềm tin với các đối tác quốc tế. C/O trở thành một trụ cột quan trọng về uy tín doanh nghiệp, khả năng truy xuất nguồn gốc và mức độ tuân thủ trong thương mại hiện đại.
Theo khảo sát BCI, 56% doanh nghiệp – chủ yếu là các tập đoàn quy mô lớn – cho biết họ nộp chứng từ C/O hàng tháng.
Kể từ ngày 5 tháng 5 năm 2025, Bộ Công Thương đã chính thức tiếp quản quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), với định hướng thúc đẩy chuyển đổi số trong một số khâu then chốt. Động thái này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, vì hứa hẹn sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý và tích hợp hiệu quả hơn với hệ thống hải quan điện tử và chữ ký số.
“Khi những biến động địa chính trị tiếp tục tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có thể xác minh cho sản phẩm trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết”, ông Jaspaert nhấn mạnh.
“Chuyển đổi số không chỉ là một nỗ lực giảm thiểu thủ tục giấy tờ, mà còn là bước đi chiến lược để định vị Việt Nam là một đối tác thương mại đáng tin cậy, sẵn sàng bắt nhịp với thương mại thế hệ mới. Nếu Việt Nam có thể phát triển một chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh và gia tăng tỷ lệ hàng hóa thực sự được sản xuất tại Việt Nam, quốc gia sẽ có vị thế tốt hơn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Giấy chứng nhận xuất xứ không chỉ là ‘tấm hộ chiếu’ để hưởng ưu đãi thuế quan, mà còn là biểu tượng của uy tín và niềm tin tại các thị trường đích. Với chuyển đổi số, chúng ta có thể tăng tốc dòng chảy thương mại, giảm thiểu rào cản và xây dựng một hệ sinh thái thương mại minh bạch, kiên cường và hiệu quả hơn – vì lợi ích chung của cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Jaspaert nói.
EVFTA – nhiều tiềm năng chờ khai mở
Kỷ niệm năm năm thực thi EVFTA, báo cáo cho thấy gần 66% doanh nghiệp tham gia tích cực vào thương mại EU–Việt Nam. 98,2% doanh nghiệp được khảo sát biết đến EVFTA, trong đó gần một nửa khẳng định hiệp định mang lại lợi ích từ trung bình đến đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp xem ưu đãi thuế quan là lợi ích nổi bật đã tăng mạnh từ 29% năm ngoái lên 61% năm nay...
Niềm tin cho chặng đường phía trước
Ở nhiều khía cạnh, EVFTA chính là minh chứng cho những gì có thể đạt được khi cải cách đi đôi với sự gắn kết mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Để phát huy trọn vẹn động lực này, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy sự rõ ràng và nhất quán trong thực thi – không chỉ mở cửa tiếp cận, mà còn đảm bảo tính bền vững và tin cậy của môi trường đầu tư.
Chỉ số BCI Quý 2 2025 một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho đầu tư châu Âu...
“Các doanh nghiệp châu Âu biết rõ họ cần gì: thủ tục đơn giản hóa, quy định hài hòa, quy trình cấp giấy phép lao động thuận tiện hơn, hoàn thuế và thủ tục hải quan minh bạch, cũng như tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới”, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert kết luận.
“Đây không chỉ là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp, mà là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và bền vững. Với các quy tắc rõ ràng hơn và cam kết cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành trung tâm đầu tư chiến lược của khu vực. EuroCham tự hào được đồng hành cùng các đối tác trong hành trình này – đóng vai trò là cầu nối vững chắc hướng tới một tương lai thịnh vượng cho cả Việt Nam và châu Âu”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.
-
Chủ tịch EuroCham tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam
Các doanh nghiệp châu Âu vẫn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu.
-
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 3 năm 2024. Báo cáo phản ánh tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh dù vẫn còn những thách thức kinh tế do hậu quả của bão Yagi và những rào cản trong vận hành doanh nghiệp.
-
Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC làm Chủ tịch EuroCham
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố những cập nhật trong Hội đồng Quản trị.







