Bị đối tác tố mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn và yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án. Thế nhưng, đại diện CTCP Sỹ Ngàn lại khẳng định, Công ty có đủ khả năng tài chính để trả nợ, nên không thể nói là mất khả năng thanh toán. Đằng sau vụ việc doanh nghiệp bất động sản này bị đối tác ép phá sản vẫn còn nhiều vấn đề…
Phối cảnh Dự án Ngọc Viên Islands của Công ty Sỹ Ngàn
Doanh nghiệp bất động sản đầu tiên bị yêu cầu phá sản
Theo thông báo của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mới đây, Tòa đã nhận được đơn của CTCP Đầu tư Trường Phúc, kiến nghị Tòa mở thủ tục phá sản đối với CTCP Sỹ Ngàn, do doanh nghiệp này đã mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn.
Để tiến hành quy trình mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, Tòa yêu cầu Công ty Sỹ Ngàn phải nộp báo cáo tài chính của các năm 2010 - 2011; báo cáo tình hình hoạt động và nguyên nhân dẫn đến mất khả năng thanh toán; bảng kê chi tiết tài sản doanh nghiệp và địa điểm thấy được tài sản; danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ của doanh nghiệp; các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn; toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp… Theo thông báo của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, nếu hết thời hạn quy định, CTCP Sỹ Ngàn vẫn không nộp đầy đủ các tài liệu Tòa yêu cầu thì Tòa sẽ tự tiến hành thủ tục giải quyết phá sản.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, CTCP Sỹ Ngàn được thành lập năm 2010, với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư của Dự án Ngọc Viên Islands, với vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD. Dự án có tổng diện tích hơn 30 héc-ta, bao gồm 3 hòn đảo nằm trên hồ Đồng Mô, với 1.600 héc ta mặt nước. Theo quảng cáo, Ngọc Viên Islands là “Resort 5 sao trên hồ đầu tiên tại miền Bắc”.
Ngoài Ngọc Viên Islands, CTCP Sỹ Ngàn cũng đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ Bắc vào Nam. Trước đó, vào cuối năm 2011, có thông tin Tập đoàn Archi đã mua đến 40% cổ phần của CTCP Sỹ Ngàn.
Ép đối tác để… đòi nợ?
Trao đổi với ĐTCK trước thông tin doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán và đang bị đối tác kiến nghị lên Tòa án yêu cầu phá sản, ông Nguyễn Tương Như, Tổng giám đốc CTCP Sỹ Ngàn cho biết, trước khi chính thức nhận được thông báo từ Tòa án, CTCP Sỹ Ngàn rất bất ngờ khi nhận được thông tin bị đối tác là Công ty Trường Phúc yêu cầu mở thủ tục phá sản trên các phương tiện truyền thông.
Ông Như thừa nhận, Công ty Trường Phúc là một đối tác và Sỹ Ngàn đang nợ công ty này “vài tỷ đồng”. Tuy nhiên, theo ông Như, việc đối tác nói Sỹ Ngàn mất khả năng thanh toán là không có cơ sở. Bởi với tình hình tài chính hiện nay, doanh nghiệp thừa sức xử lý được khoản nợ này.
Cũng theo ông Như, ông không biết động cơ đưa vụ việc ra tòa của doanh nghiệp đối tác là gì. Tuy nhiên, hiện Công ty đang phối hợp với Tòa án và các cơ quan liên quan để hòa giải với Công ty Trường Phúc.
Liên quan đến việc Công ty Sỹ Ngàn bị đối tác tố mất khả năng thanh toán và yêu cầu phá sản, câu hỏi cũng được đặt ra với Tập đoàn Archi. Bởi nếu bị phá sản, Tập đoàn Archi sẽ bị thiệt hại và ảnh hưởng ra sao, khi có thông tin cho rằng, Archi sở hữu đến 40% cổ phần của CTCP Sỹ Ngàn?
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Archi cho biết, cuối năm 2011, Archi đã có thỏa thuận sẽ mua 40% cổ phần của CTCP Sỹ Ngàn. Dù vậy, vì một số lý do, việc mua bán sau đó không được tiến hành. Do đó, nói Tập đoàn Archi sở hữu 40% cổ phần của Công ty Sỹ Ngàn là không đúng.
Theo ông Nam, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn hiện nay, việc doanh nghiệp chậm thanh toán nợ mà bị coi là mất khả năng thanh toán và yêu cầu phá sản thì phải đến 90% doanh nghiệp đang trong tình trạng này. Vì vậy, ông Nam cho rằng, việc Sỹ Ngàn bị đối tác tố mất khả năng thanh toán và yêu cầu Tòa mở thủ tục phá sản là một chiêu để ép đối tác phải thanh toán sớm các khoản nợ.