(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN) |
EIU nhận định giai đoạn lạm phát phi mã của Việt Nam trong năm 2011 đã làm thay đổi những kỳ vọng của người tiêu dùng.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát bình quân của Việt Nam trong năm 2012 dự báo sẽ ở mức 8,5%, nhưng điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng tiêu dùng cá nhân sẽ không ấn tượng trong năm nay, dự kiến chỉ đạt 5,6%, giảm so với mức bình quân 7,5% của giai đoạn 2007-2011.
Theo EIU, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng một giai đoạn lạm phát thấp hơn và ổn định hơn tại Việt Nam là hết sức cần thiết để loại bỏ những quan ngại của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.
Hơn nữa, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm cũng là nguyên nhân khiến tổ chức này giảm mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2013 xuống còn 6% so với mức 6,6% đưa ra trước đó.
Môi trường kinh tế lành mạnh hơn từ năm 2014, cả ở trong nước và trên phạm vi toàn cầu, sẽ giúp mức tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng lên bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2014-2016.
Mặc dù vậy, hiện có một số nguy cơ khiến Việt Nam có thể không đạt được mức tăng trưởng như dự báo.
EIU cho rằng trên mặt trận nội địa, hiện vẫn tồn tại lo ngại về khả năng tiếp tục chính sách ủng hộ tăng trưởng thay vì ổn định nền kinh tế và hạ nhiệt lạm phát.
Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải thể hiện rằng đã bình ổn được nền kinh tế và thành công trong việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.
Trên mặt trận quốc tế, hiện vẫn tồn tại nguy cơ kinh tế toàn cầu có thể trở lại suy thoái do khả năng vỡ nợ của một số nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Một cuộc suy thoái toàn cầu lần thứ hai sẽ không chỉ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, mà còn có những hiệu ứng dây chuyền tới chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng, do đó sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế./.