10/02/2012 2:19 PM
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1% và tin tưởng các bên sẽ tìm được giải pháp cho vấn đề nợ nần ở Hy Lạp - nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Sau hai đợt cắt giảm lãi suất và một đợt cho vay với lãi suất ưu đãi chưa có tiền lệ tại phiên họp thường kỳ hàng tháng kết thúc hôm 9/2 Hội đồng hoạch định chính sách của ECB đã đồng thuận duy trì lãi suất ở mức thấp 1% trước những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Eurozone đang dần đi vào ổn định.

Phần lớn các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò do hãng tin Reuters tiến hành sau cuộc họp của ECB đều dự đoán ECB sẽ vẫn không thay đổi lãi suất trong tháng Ba và có thể sẽ chưa có đợt điều chỉnh lãi suất nào trong những tháng còn lại của năm.


Chính Chủ tịch Mari Draghi cho biết Hội đồng hoạch định chính sách gồm 23 thành viên của ECB đã không hề thảo luận về triển vọng hay thay đổi lãi suất hiện hành bởi các cuộc khảo sát gần đây càng khẳng định một số tín hiệu ban đầu về sự ổn định của hoạt động kinh tế trong Eurozone.


Nhiều nhà phân tích cho rằng do cuộc họp thường kỳ ngày 8/3 diễn ra ngay sau đợt cho vay ưu đãi thời hạn 3 năm lần thứ hai dành cho các ngân hàng thương mại dự kiến diễn ra trong ngày 29/2, nên ECB sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới điều chỉnh lãi suất.


Liên quan đến việc cứu trợ Hy Lạp Chủ tịch Draghi tỏ ý tin tưởng Chính phủ Hy Lạp sẽ sớm đạt được thỏa thuận với các nhà tài trợ để tránh được nguy cơ vỡ nợ trong tháng tới.


ECB sẽ gián tiếp trợ giúp Athens thông qua việc chuyển lợi nhuận từ các trái phiếu của Hy Lạp mà ECB đang nắm giữ, động thái có thể huy động ít nhất 12 tỷ euro nhằm giúp nước này lấp bớt lỗ hổng về nhu cầu tài chính.


Theo ông Draghi, kế hoạch có thể giúp Aten giảm số nợ hiện ước tính chiếm 160% GDP xuống còn 120% GDP vào năm 2020./.
Theo Hoàng Hà (TTXVN/Vietnamplus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.