26/04/2017 3:43 PM
Trái với xu hướng ngày càng mở rộng cho đối tượng cá nhân vay mua nhà ở và đẩy mạnh tín dụng phân khúc này, các ngân hàng đang dần thận trọng hơn trong việc cung ứng vốn cho chủ đầu tư. Trong đó, nhiều nhà băng không có có chủ trương cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án, dù room tín dụng bất động sản vẫn còn.
Đại diện một ngân hàng cổ phần quy mô cho biết, mặc dù room tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của ngân hàng ông hiện còn khá nhiều, song chủ trương của HĐQT, Ban điều hành đưa ra là chỉ tập trung cho khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở, không cho vay kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, ngân hàng này luôn nói “không” với việc cung ứng vốn tín dụng cho các chủ đầu tư dự án.
Cũng theo vị đại diện trên, việc cho cá nhân vay mua nhà cũng chỉ triển khai ở các dự án mà ngân hàng có liên kết, chọn lọc những dự án có đầu ra tốt để hạn chế rủi ro nợ xấu. Vì thế, trong 3 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng bất động sản cho vay mua nhà chỉ tăng trưởng khoảng 30% so, có phần sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2017 với mức lợi nhuận trên 2.200 tỷ đồng, ACB cho biết, năm nay, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp, cải thiện thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng điện tử, tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu...
Thay vì rót vốn cho chủ đầu tư dự án, ngân hàng tập trung cho cá nhân vay mua nhà ở
Trong đó, với tín dụng cá nhân, ACB tăng cường đẩy mạnh cho vay mua nhà, đáp ứng nhu cầu mua nhà mới của cá nhân. Các hồ sơ được giải ngân trong thời gian này sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm.
Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, tổng hạn mức dành cho các chương trình ưu đãi tín dụng này lên đến 6.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ của Khối Khách hàng cá nhân chiếm khoảng 55% tổng dư nợ của Ngân hàng.
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với phân khúc mua nhà, theo đánh giá của ông Phát, khó có thể tăng đột biến trong năm nay, mà chỉ nhỉnh hơn so với năm 2016. Mặt khác, nhìn vào cầu và hạn mức vay của các khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thực trong thời gian gần đây tại ACB cũng chỉ ở mức 0,8-1 tỷ đồng. ACB chủ trương kiểm soát kỹ các dự án bất động sản cao cấp, tập trung cho cá nhân vay mua nhà.
Tại Vietcombank, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng chia sẻ, Vietcombank cũng chỉ chủ trương đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà để ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Vietcombank hiện cũng khá cạnh tranh so với mặt bằng chung của thị trường. Sở dĩ Vietcombank không tập trung tín dụng cho chủ đầu tư dự án bất động sản vì lâu nay, Ngân hàng không có chiến lược đẩy mạnh vốn vào phân khúc khách hàng này, nhằm kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu.
Trong đó, đối với tăng trưởng tín dụng, vừa phấn đấu tăng trưởng dư nợ, vừa điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng lành mạnh, giảm thiểu rủi ro; kiểm soát tín dụng ở lĩnh vực bất động sản, các dự án giao thông theo hình thức BOT; tập trung mở rộng tín dụng ngắn hạn ở lĩnh vực sản xuất, ngành nghề tiềm năng…
Thực tế, trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, không chỉ lãnh đạo các ngân hàng thận trọng trong rót vốn cho chủ đầu tư dự án, ngay cả cổ đông của các ngân hàng cũng đề cao vấn đề này tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.
Chẳng hạn, tại HDBank, một cổ đông thắc mắc, việc Ngân hàng giải ngân cho chủ đầu tư của một dự án bất động sản ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) liệu có rủi ro và lặp lại tình trạng nợ xấu? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo HDBank cho rằng, Ngân hàng vẫn đảm bảo theo quy định về tỷ lệ cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hơn nữa, đây chỉ là một dự án quy mô nhỏ, nên vẫn đảm bảo các quy định về rủi ro.
Về phía nhà quản lý, đại diện NHNN cho biết, sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo các tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như: tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông…
Vì vậy, theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, khi nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, thì việc rót vốn cho chủ đầu tư các dự án bất động sản sẽ phải hạn chế dần, thay vào đó là tập trung cho cá nhân vay mua nhà.
Vân Linh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.