Cơ hội đầu tư
Tính toán của các nhà tư vấn quy hoạch quốc tế cho biết, Hà Nội cần tới khoản đầu tư khổng lồ ước tính lên tới 90 tỷ USD để triển khai bản quy hoạch này. Trong đó, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho 20 năm tới (giai đoạn 2010-2030) dự trù khoảng 60 tỷ USD với quá nửa là đầu tư cho giao thông. Nguồn lực này được cho là sẽ huy động chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước cũng như thu hút từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, ngân sách nhà nước, FDI, vốn ODA...
Bình luận về khả năng thu hút kinh phí để triển khai Quy hoạch chung,
nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, bản thân quy
hoạch sẽ tạo ra nguồn lực. Ông nói: “Bản chất của phát triển đô thị có
thể nói một cách dân dã là “lấy mỡ nó rán nó”, hay nói cách khác là
nguồn lực nằm ở chính đất đai. Vấn đề là làm sao khai thác được nguồn
lực đó”. Ông dẫn ví dụ: “Chẳng hạn, mảnh đất bình thường ở khu vực Hòa
Lạc có thể không có nhiều giá trị, nhưng khi quy hoạch một tuyến đường
qua đó, cụ thể là Đại lộ Thăng Long, đất ở đó lập tức lên giá. Như vậy,
nguồn lực do quy hoạch mà có, một khi có đường sá, có hạ tầng thì đất sẽ
có giá”.
Lại xếp hàng chờ sát hạch?
Cơ hội là như vậy, song giới phân tích cho rằng, sẽ không dễ cho Hà
Nội thu xếp vốn đầu tư, bởi đất đai đang ngày càng trở nên khan hiếm,
trong khi ngân sách lại eo hẹp. Được xem là “vốn liếng” nặng ký nhất của
Hà Nội nhưng với trên 1.000 dự án đầu tư, đồ án quy hoạch đang triển
khai, trong đó có nhiều “siêu” dự án với diện tích chiếm đất lên tới
2.800 ha, tức gấp hơn 5 lần diện tích quận Hoàn Kiếm, quỹ đất của Hà Nội
không hẳn đã còn “vô biên” như người ta tưởng.
Khảo sát sau khi Hà Nội mở rộng, một cán bộ có trách nhiệm của Thành
phố từng than: “Xây dựng những con đường mới còn ý nghĩa gì khi quỹ đất
giá trị hai bên đều đã bị các doanh nghiệp nắm giữ...”.
Tuy thế, dù chưa có ngay số tiền mỗi năm 3 tỷ USD nhưng với số lượng dự án đồ sộ được ưu tiên triển khai để thực hiện quy hoạch, cơ hội cho các doanh nghiệp vẫn được giới đầu tư xác định là vô cùng lớn. Vấn đề hiện nay là cách làm của thành phố Hà Nội. Quy hoạch đã có nhưng cơ chế, chính sách vẫn chiếm vai trò quyết định trong việc hút các doanh nghiệp về với Hà Nội.
Cuối tháng 7/2011, trước thời điểm Quy hoạch chung được công bố vài
ngày, dư luận rộ lên thông tin 750 dự án trong vùng quy hoạch hiện đang
là “cá nằm trên thớt”, sẽ phải xếp hàng chờ tới lượt được mổ xẻ, điều
chỉnh. Sự thực là sau khi Quy hoạch chung được công bố, sẽ có những dự
án sẽ phải điều chỉnh, thậm chí đang đứng trước nguy cơ dừng hẳn. Tuy
nhiên, nếu nói tất cả 750 dự án đều là “cá nằm trên thớt” thì hoàn toàn
không chính xác.
Ông Nguyễn Hồng Quân đã tỏ ra bức xúc trước thông tin này: “Nếu như
ngay bây giờ nói rằng 750 dự án phải đình hoãn, phải sửa đổi là quá vội
vàng. Từ 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội phải tiến
hành rà soát cụ thể các đồ án, dự án. Tất nhiên, khi Quy hoạch chung
được phê duyệt, vẫn cần xem xét cụ thể hơn nữa trên cơ sở Quy hoạch
chung, dưới đó là quy hoạch phân khu, các quy định về quản lý, quy chế
quản lý kiến trúc... Nếu dự án nào, đồ án nào không đảm bảo các yêu cầu
của quản lý mới phải dừng lại hay điều chỉnh”.
Với nhiều cầu vượt sông Hồng sắp được xây dựng, đất đai ở khu vực Bắc Hà Nội sẽ ngày càng có giá |
Tạo sóng mới
Về tương lai của thị trường bất động sản, Thứ trưởng Toàn khẳng định:
“Chắc chắn khi Quy hoạch chung được phê duyệt, công bố rộng rãi, tình
hình đầu tư bất động sản sẽ có thay đổi lớn”.
Chứng thực lời ông Toàn, ngay trong ngày đầu tiên mở cửa Triển lãm Quy hoạch chung tại Mỹ Đình, đã có tới gần 3.600 lượt người đội mưa vào xem Đồ án. Trong số đó, rất nhiều nhà đầu tư, người môi giới bất động sản đã có mặt để tìm kiếm cơ hội.
Vừa ngắm nghía rất kỹ quy hoạch hệ thống giao thông, chùm đô thị vệ tinh, hành lang xanh..., ông Nguyễn Văn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa chia sẻ: “Đầu năm nay tôi mua được 2 thửa đất tại Phúc Thọ với giá 6 triệu/m2, giờ đã lên 8 triệu/m2 rồi. Biết thế này, tôi mua gần Thị trấn Phúc Thọ, giá có khi còn lên nữa. Cứ mua gần trục Hồ Tây - Ba Vì là chắc ăn”. Nhà đầu tư này còn phân tích với vẻ khá chuyên nghiệp: “Tôi xem quy hoạch thấy sắp tới Hà Nội sẽ có thêm rất nhiều cầu vượt sông Hồng. Trước mắt là cầu Nhật Tân, sau này là cầu Tứ Liên... nên đường từ bờ Bắc sông Hồng sang trung tâm Hà Nội không còn xa như hiện nay. Đất đai ở phía bờ Bắc chắc chắn sẽ ngày càng có giá. Đó chính là cơ hội đầu tư rất tốt trong tương lai gần”.