Nhắc đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội, nhiều chuyên gia đều lắc đầu ngao ngán về tiến độ “rùa bò” và đội vốn quá lớn.
Văn phòng Chính phủ vừa có yêu cầu 4 bộ ngành là Tài Chính, Kế hoạch Đầu tư, Xây Dựng và Giao thông Vận tải cho ý kiến về dự án đường sắt đô thị số 2 Hà Nội (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đội vốn thêm 16.123 tỷ đồng so với mức được phê duyệt.
Theo đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là hơn 35.678 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với số vốn đầu tư ban đầu 19.555 tỉ đồng.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia có kinh nghiệm trên 30 năm nghiên cứu giao thông đô thị khẳng định, lời đề nghị của Hà Nội rất lạ lùng và không có cơ sở khoa học vững chắc.
Theo TS Thủy, việc xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gấp đôi, chứng tỏ quy hoạch về đường sắt của Hà Nội rất sơ sài.
“Tôi thấy không có một cơ sở khoa học nào cả. Việc dự toán của Hà Nội rất tùy tiện. Ban đầu Hà Nội đưa ra mức giá trên 19.000 tỷ đồng nhưng thời điểm này lại đề nghị tăng gấp đôi. Thế giới không ai làm như vậy cả. Nó như một trò đùa với thiên hạ và giới khoa học”, ông Thủy bức xúc.
Vẫn theo ông Thủy, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đang triển khai nhưng cũng chưa đến đâu cả. Dự án vẽ ra một sơ đồ không thực tế. Có những tuyến tàu điện ngầm kéo dài suốt từ nội thành ra đến ngoại thành. Tuyến Ngọc Hồi kéo dài ra đến Như Quỳnh quy hoạch và tính lô gic cũng không rõ ràng. Thử hỏi tuyến từ Trần Hưng Đạo - Nam Thăng Long đang đề nghị tăng vốn cơ sở khoa học của tuyến này như thế nào? Tại sao phải làm tuyến đấy?
“Tôi nghĩ phải xem lại nơi đã quy hoạch hệ thống đường sắt cho Hà Nội. Không thể nào bỏ qua các bước phân tích lợi hại, tính khả thi của dự án mà cứ vẽ ra khắp nơi các công trình”, ông Thủy nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm, với tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài hơn 11 km, mức giá mà phía UBND thành phố Hà Nội đưa ra là quá cao so với thế giới cũng như các nước trong khu vực. Với quãng đường 11 km trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, theo ông Thủy mức kinh phí để làm chỉ cần khoảng 1 tỷ USD (tương đương 19.000-20.000 tỷ đồng) chứ không thể tăng lên 35.678 tỉ đồng như đề xuất.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 tại Hà Nộ (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Dự kiến nếu Chính phủ thông qua việc điều chỉnh vốn này, vào tháng 5/2018, Chính phủ sẽ phải báo cáo Quốc hội thông qua mức điều chỉnh vốn nói trên.
Theo đó, phương án tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh lên tới 35.678 tỷ đồng so với tổng vốn ban đầu được phê duyệt là 19.555 tỷ đồng, mức tăng 16.123 tỷ đồng.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt số 2 có chiều dài toàn tuyến hơn 11,5 km, trong đó hơn 3 km đi trên cao, và 8,5 km đi ngầm. Toàn hệ thống có 3 nhà ga trên cao và 7 nhà ga ngầm.
Tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm Hà Nội bắt đầu từ Khu đô thị Ciputra, Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.
Dự án được biết sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là chủ đầu tư.
Dự án trên được UBND Hà Nội phê duyệt dự án từ năm 2008, tính đến nay, theo báo cáo của Hà Nội, đến nay 5 gói thầu chính đã cơ bản thực hiện xong bước tuyển thầu.
Nguyễn Việt (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.