Từ cho thuê nệm hơi và bữa ăn sáng Airbnb được thành lập vào năm 2007 khi hai người bạn cùng phòng trọ Joe Gebbia và Brian Chesky không đủ trả tiền thuê nhà ở San Francisco (Mỹ). Khi ấy, cặp đôi này nhận ra rằng một hội nghị thiết kế lớn sắp diễn ra ở San Francisco sẽ thu hút rất nhiều khách tới và cơ hội kinh doanh nhen nhóm từ đây.
Những người đồng sáng lập Airbnb Brian Chesky (phải), Nathan Blecharczyk (giữa) và Joe Gebbia (trái). Ảnh: Airbnb
Joe Gebbia viết cho Chesky một email chia sẻ ý tưởng biến căn gác xép của họ thành giường ngủ cho các nhà thiết kế thuê trọ và phục vụ bữa ăn sáng, một cách để “kiếm thêm một vài USD” chi trả tiền thuê nhà. Họ đã tạo ra một website có tên airbedandbreakfast.com cho người thuê nhà tiện liên hệ và mua thêm ba chiếc nệm hơi rồi sắp xếp chúng để làm “giường” cho các “du khách”.
Họ có ba vị khách đầu tiên, hai nam và một nữ, mỗi người trả 80 USD để qua đêm trên những chiếc nệm hơi.
Gebbia và Chesky nhanh chóng nhận ra ý tưởng này trở thành một cơ hội kinh doanh lớn hơn thế. Họ đã cùng với người bạn cùng phòng cũ của mình, Nathan Blecharczyk, bắt tay nhau chính thức thành lập doanh nghiệp.
Trong vòng bốn tháng đầu, ba chàng trai xây dựng dịch vụ tìm kiếm bạn cùng phòng, nhưng rồi nhận ra trang Roommates.com đã nổi tiếng từ lâu. Bộ ba khi đó quay trở lại với ý tưởng “Air Bed and Breakfast” (Giường đệm hơi và bữa sáng).
Công ty chính thức khai trương dịch vụ, nhưng chẳng có ai quan tâm đến họ. Bộ ba tìm đến lễ hội âm nhạc tương tác thường niên South by Southwest (SXSW) năm 2008 ở bang Texas để quảng bá, nhưng cũng chỉ thu hút được hai khách hàng, một trong số này chính là Chesky.
Gian nan tìm nhà đầu tư
Vào mùa hè năm 2008, ba nhà đồng sáng lập đã hoàn thành phiên bản cuối cùng của Air Bed and Breakfast và đi gặp các nhà đầu tư để gọi vốn. Toàn bộ trải nghiệm đã được thiết kế lại xung quanh việc chỉ mất ba cú nhấp chuột để đặt phòng. Dù vậy, các nhà đầu tư đã không bị thuyết phục. Giới thiệu ý tưởng cho 15 nhà đầu tư thiên thần thì 8 người từ chối và 7 người hoàn toàn phớt lờ họ.
Tan vỡ và nợ nần, ba chàng trai quyết định giới thiệu Air Bed & Breakfast một lần nữa tại Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ năm 2008 ở Denver. Để tiếp tục có tiền kinh doanh, bộ ba này bắt đầu bán ngũ cốc theo chủ đề liên quan tới cuộc bầu cử. Tận dụng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra hết sức gay cấn giữa hai ứng viên của Đảng Cộng hòa John McCain và Đảng Dân chủ Barack Obama, họ bán các hộp ngũ cốc cổ động tranh cử với tên “Obama O’s” và “Cap’n McCains” với giá 40 USD mỗi hộp ngay trên hè phố.
Số lượng mỗi loại chỉ có giới hạn, đồng thời trên mỗi hộp có đính kèm thông tin về công ty Airbnb. Chiến lược tiếp thị đầy sáng tạo này giúp bộ ba mang về 30.000 USD để đầu tư cho công ty.
Một quỹ đầu tư mạo hiểm của Paul Graham đã chú ý đến họ. Graham đã mời các anh chàng tham gia Y Combinator, một vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp có uy tín chuyên cung cấp tiền mặt và đào tạo để đổi lấy một phần nhỏ cổ phần của doanh nghiệp. Joe, Brian và Nathan đã tham gia chương trình này trong ba tháng đầu năm 2009 để hoàn thiện sản phẩm của họ.
Dù vậy, ngay cả khi đã tham gia vào Y Combinator, họ vẫn bị các nhà đầu tư nổi tiếng từ chối. Fred Wilson của Union Square Ventures thừa nhận vào năm 2011 rằng ông đã không nhìn qua tên Air Bed and Breakfast và xem hồ sơ doanh nghiệp. Wilson viết: “Chúng tôi đã không thể tin tưởng vào loại hình cho thuê phòng mà khách chỉ được nằm trên những tấm nệm hơi trên sàn phòng khách và vì thế đã không tham gia vào thỏa thuận này. Những người khác đã nhìn thấy đội ngũ tuyệt vời của họ và đầu tư cho họ”.
Công ty bắt đầu phát triển. Các nhà sáng lập đưa ra một dự án đầy tham vọng và quảng bá để những người cho thuê nhà trọ cũng cảm thấy yêu thích công ty của họ. Họ đích thân đến thăm và ngụ lại tại chính tất cả những căn nhà cho thuê ở New York, viết nhận xét và chụp ảnh từng địa điểm một cách chuyên nghiệp.
Vào tháng 3/2009, công ty đã loại bỏ tên Air Bed & Breakfast và đơn giản hóa nó thành “Airbnb”, để đỡ sự liên tưởng đến những chiếc nệm hơi.
Lớn mạnh không ngừng
Một tháng sau, vào tháng 4/2009, Airbnb cuối cùng đã nhận được khoản đầu tư hạt giống 600.000 USD từ Sequoia Capital. Đó là khi công ty đạt được tốc độ tăng trưởng nhất định và có tiếng tăm.
Đến năm 2011, bốn năm sau khi có những khách hàng sử dụng nệm hơi đầu tiên, Airbnb đã có mặt tại 89 quốc gia và đạt 1 triệu nệm được đặt trên nền tảng này. Cuối cùng, nó cũng đã giành được giải thưởng ứng dụng di động đột phá tại SXSW - một thành công nhất định sau khi ra mắt thất bại tại lễ hội năm 2008.
Tốc độ phát triển quá nhanh cũng đồng nghĩa với việc start-up này liên tiếp gặp phải một số rắc rối. Một chủ nhà để căn hộ trong tình trạng bẩn “giống một thùng rác”. Một số chủ nhà khác thì than phiền về việc các vị khách của họ bày bừa và làm bẩn căn phòng. Trước tình hình đó, Airbnb bắt đầu thực hiện một chính sách bảo hiểm trị giá 1 triệu USD tên là “Host Guarantee” có hiệu lực từ mùa hè năm 2012.
Một vấn đề khác cũng xảy ra ngày càng nhiều: các khách hàng bị phạt tiền, hoặc thậm chí bị đuổi ra khỏi những căn nhà thuê trên Airbnb. Nhiều thành phố có “phản ứng” trước việc nhà cho thuê tại Airbnb tăng lên quá nhanh. Điều này khiến cho những người đứng đầu công ty lại tiếp tục bị “đau đầu”.
Những cuộc chiến pháp lý và những vị khách rắc rối đã khiến cho Airbnb quyết định thay đổi thiết kế vào năm 2014. Logo mới của họ tên là Belo đã ngay lập tức hứng chịu sự chỉ trích vì nhiều người cho rằng nhìn nó giống với một bộ phận “nhạy cảm” hơn là có thể liên tưởng đến dịch vụ cho thuê phòng.
Ngay tại quê nhà San Francisco, tình hình cũng không thuận lợi. Công ty phải dùng hơn 8 triệu USD trong mùa thu 2015 để chống lại cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý kiến người dân về việc hạn chế nhà cho thuê trên Airbnb. Bất chấp những rắc rối với luật pháp nhiều nơi, công ty vẫn cố gắng duy trì và mở rộng hoạt động để thực hiện lời hứa có mặt tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Họ cũng bắt đầu nghiêm chỉnh nộp thuế đầy đủ cho chính quyền sở tại. Airbnb còn tranh luận về các lợi ích mà họ sẽ mang lại cho người dân và các thành phố, ví dụ như chỉ ra các lợi ích kinh tế có thể đưa lại cho những người bản địa thiếu thốn về tài chính.
Bước sang năm 2016, những cuộc chiến pháp lý vẫn nổ ra nhưng không hề làm cản trở sự lớn mạnh không ngừng của Airbnb. Start-up này trở thành một thế lực đáng sợ không chỉ ở Silicon Valley mà còn cạnh tranh trực tiếp tất cả các “ông lớn” trong ngành công nghiệp khách sạn truyền thống.
Kể từ năm 2016, Airbnb đã mở rộng các dịch vụ của mình thông qua một loạt các thương vụ ra mắt và mua lại bên cạnh dịch vụ chính của mình.
Dưới đây là danh sách các hoạt động ra mắt và mua lại chiến lược của Airbnb kể từ năm 2016:
• (2016) Airbnb Experience, ra mắt “hoạt động độc nhất vô nhị do người dân địa phương tổ chức”.
• (2017) Luxury Retreats, mua lại một “công ty cho thuê kỳ nghỉ sang trọng” toàn cầu.
• (2017) Niido, ra mắt “chia sẻ nhà trong các tòa nhà chung cư mới sẽ được tối ưu hóa cho việc chia sẻ nhà và sống linh hoạt”.
• (2018) Airbnb Plus, ra mắt một “hạng nhà trên Airbnb đã được cá nhân xác minh về chất lượng và sự thoải mái”.
• (2019) HotelTonight, mua lại “một ứng dụng và trang web giúp mọi người đặt phòng khách sạn vào phút cuối”.
Vào tháng 9/2019, Airbnb đã chính thức công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2020.
Đến công ty trăm tỉ USD
Sau khi chứng kiến đại dịch Covid-19 tác động tới hoạt động kinh doanh của Airbnb vào mùa xuân, một số nhà quan sát thị trường tỏ ra nghi ngờ khả năng Airbnb thực hiện kế hoạch IPO của mình. Tuy vậy sau cùng Chesky đã đăng ký IPO vào cuối tháng 7.
Ngày 10/12/2020, hơn 12 năm kể từ khi thành lập và chưa đầy 9 tháng sau lệnh giãn cách xã hội của Mỹ do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cổ phiếu Airbnb chính thức mắt công chúng.
Airbnb được niêm yết trong nhóm Nasdaq dành cho phần lớn cổ phiếu công nghệ với mã cổ phiếu ABNB. Cổ phiếu Airbnb bắt đầu giao dịch từ 1h35 giờ chiều (giờ Mỹ) và ngay sau đó lập tức tăng giá từ 68 USD lên gần 150 USD trong ngày 10/12.
Giá cổ phiếu tăng đã đẩy giá trị vốn hóa công ty lên gần 103 tỉ USD, cao hơn nhiều so với giá trị 18 tỉ USD được định sau vòng gọi vốn tư gần nhất của Airbnb vào tháng 4.
Airbnb được niêm yết trong nhóm Nasdaq dành cho phần lớn cổ phiếu công nghệ với mã cổ phiếu ABNB.
Điều đó thể hiện khả năng phục hồi đáng kể của một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, vốn là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này. Đầu năm 2020, Giám đốc điều hành Brian Chesky đã cắt giảm chi phí, đồng thời huy động 2 tỉ USD nợ và vốn chủ sở hữu để tiếp tục hoạt động.
Việc điều động đã phát huy tác dụng và giúp Airbnb phục hồi từ giai đoạn sụt giảm ban đầu. Điều đó chắc chắn sẽ củng cố nhận thức rằng Airbnb, được thành lập trong thời kỳ Đại suy thoái 2007-2008 và là “con gián của các công ty khởi nghiệp”, như người sáng lập Y Combinator, Paul Graham đã từng gọi ví von.
Hiệu suất của Airbnb trong thời kỳ đại dịch có thể thuyết phục các nhà đầu tư tin tưởng chờ đợi vào tiềm năng phía trước.
Airbnb ước tính tổng nhu cầu thị trường của mình là 3,4 nghìn tỉ USD. Trong khi đó, các đối thủ như Snowflake ước tính thị trường của mình trị giá 81 tỉ USD trong khi Palantir chốt cơ hội là 191 tỉ USD. Tuy nhiên, có lý do để thấy đánh giá của Airbnb hợp lý và đáng tin cậy.
Trước hết, các thị trường cốt lõi của Airbnb về khách sạn, lữ hành và du lịch là vô cùng lớn. Theo một ước tính, du lịch toàn cầu bổ sung 2,9 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Chính xác hơn, hồ sơ của Airbnb ước tính thị trường “lưu trú ngắn hạn” trị giá 1,2 nghìn tỉ USD. Công ty tin rằng ngành công nghiệp này sẽ phát triển, một phần do dân số ngày càng tăng, một phần là hệ quả của việc các cá nhân đi nhiều hơn. Đến năm 2030, Airbnb tin rằng chỉ riêng các đợt lưu trú ngắn hạn sẽ trị giá 1,8 nghìn tỉ USD.
Airbnb cũng nhận thấy cơ hội đáng kể trong sản phẩm Experiences (trải nghiệm) của mình. Experiences cho phép khách hàng đặt tour trực tiếp, và các hoạt động du lịch khác thông qua nền tảng này. Đại dịch Covid-19 khuyến khích Airbnb đưa sản phẩm này lên mạng, cho phép người tiêu dùng truy cập các dịch vụ này từ xa. Hiện tại, Airbnb tin rằng quy mô thị trường là 239 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1,4 nghìn tỉ USD trong dài hạn.
Cuối cùng, đại dịch đã mở ra một cơ hội mới cho Airbnb: lưu trú dài hạn. Trong khi Covid-19 làm cho các kỳ lưu trú quốc tế ngắn hạn kém hấp dẫn hơn, các kỳ nghỉ dài ngày trong nước đã trở nên phổ biến hơn. Điều này cho phép công ty tiếp cận thị trường bất động sản nhà ở thay vì tìm căn hộ trên StreetEasy hoặc một số nền tảng khác để tìm kiếm căn hộ, người dùng truy cập Airbnb và đặt chỗ trong một tháng hoặc hơn. Airbnb ước tính họ có thể sở hữu 10% không gian này, tổng trị giá 210 tỉ USD.
Kết quả là Airbnb có nhiều thị trường lớn để giải quyết, điều đó làm tăng giá trị thị trường của công ty trong đợt ra mắt.
Mô hình kinh doanh đơn giản
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể thấy lời chào hàng của Airbnb thuyết phục cả vì họ đã quen thuộc với sản phẩm của công ty và vì sự đơn giản của mô hình kinh doanh. So với các dịch vụ như mê cung của các doanh nghiệp như Palantir hay sự hiếu thắng của Snowflake, Airbnb kiếm được doanh thu một cách dễ dàng.
Thật vậy, công ty tóm tắt mô hình của mình bằng một dòng duy nhất: “Doanh thu bao gồm phí dịch vụ, mạng lưới các ưu đãi và khoản hoàn trả, được tính cho khách hàng của chúng tôi”.
“Phí dịch vụ” đó được tính cho cả chủ nhà và khách, mặc dù khách phải trả phần lớn. Theo chính sách của Airbnb, “hầu hết khách” trả phí dưới 14,2% tổng số tiền đặt phòng trong khi “hầu hết các chủ nhà” trả phí dưới 3% số tiền đó. Công ty dường như định giá tổng phí một cách linh động, bao gồm thời gian lưu trú, địa điểm…
Điều quan trọng không kém là những cách mà Airbnb đã chọn không phải để kiếm tiền. Ví dụ: Airbnb có thể tìm cách kiếm tiền thông qua các khoản phí hoặc thanh toán trễ hạn, nhưng không. Tính hợp lý của cách tiếp cận này minh họa điều mà Airbnb thấy quan trọng nhất: xây dựng lòng tin và lòng trung thành ở cả hai phía trên thị trường. Một doanh nghiệp có suy nghĩ ngắn hạn có thể đã tàn nhẫn hơn trong việc kiếm tiền; Airbnb có vẻ sẽ chơi một trò chơi dài hơi.
Trong thời gian đại dịch xảy ra, một số chủ nhà đã chỉ trích công ty vì đã buộc họ phải hoàn tiền đầy đủ cho những khách hàng bị cách ly và hạn chế đi lại. Sau đó, Chesky đã viết một lá thư xin lỗi và thành lập quỹ để khôi phục một phần tư thu nhập bị mất của chủ nhà.
Cố vấn chiến lược và cố vấn lâu năm Chip Conley cho biết Chesky đã học được rằng thành công lâu dài đòi hỏi phải làm việc với các cơ quan quản lý hơn là chống lại họ. “Anh ấy muốn ngừng làm Uber”, Conley nói. “Lịch sự hơn một chút và ít cạnh tranh hơn trong quan hệ với các đối thủ cạnh tranh, cũng như với các cơ quan quản lý”.
Những người ủng hộ ông Chesky nói rằng công ty anh đã sống sót sau đại dịch kéo theo việc cắt giảm một phần tư nhân viên. Đây là bằng chứng cho thấy công ty có thể đối phó với những áp lực mà các nhà đầu tư bên ngoài gây ra.
Ông Seibel nói: “Tôi không nghĩ rằng thách thức trở thành CEO của thị trường đại chúng lại gần với thách thức trong việc định hình du lịch toàn cầu trong thập kỷ tới. Đó là thử thách cho Chesky”.
-
Airbnb công bố chiến dịch quảng cáo toàn cầu
CafeLand - Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, Airbnb tập trung vào quảng cáo trên Google và không đạt được kết quả như mong đợi. Trong chiến dịch lớn đầu tiên của năm 2021, Airbnb đang xây dựng một chiến dịch quảng cáo thương hiệu toàn cầu trên YouTube (thuộc sở hữu của Google) và truyền hình ở năm quốc gia. Chiến dịch được vận động hướng tới việc mở rộng hàng ngũ những người dẫn chương trình.