Đường cao tốc tối thiểu phải có quy mô 4 làn xe
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT đường bộ cao tốc. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2024.
Theo đó, đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150m trở lên; cầu có trụ cao từ 50m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).
Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; trạm dừng nghỉ; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; hàng rào bảo vệ.
Đường cao tốc có 3 cấp thiết kế, trong đó cấp 120 có tốc độ là 120 km/h; cấp 100 có tốc độ là 100 km/h; cấp 80 có tốc độ là 80 km/h. Các khu vực địa hình khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh có thể áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.
Trên đường cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng tốc độ của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp hai đoạn chênh nhau quá 20 km/h thì phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2 km thiết kế tốc độ trung gian.
Quy chuẩn mới yêu cầu thiết kế làn xe trên lưu lượng xe, làn xe rộng tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5 m đối với đường cấp 80. Làn dừng khẩn cấp rộng tối thiểu 3 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,5 m đối với đường cấp 80.
Trên đường cao tốc phải bố trí dải phân cách giữa để phân chia hai chiều xe chạy. Chiều rộng của dải tối thiểu là 0,75 m với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,5 m đối với đường cấp 80.
Theo Bộ GTVT, trên cả nước hiện có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371 km gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong giai đoạn trước năm 2020, do nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông có hạn nên phải phân kỳ đầu tư, trong đó có một số tuyến mới đầu tư theo quy mô 2 làn xe.
Chính vì vậy, phương án tổ chức giao thông hiện nay cũng đã được xây dựng triển khai để phù hợp với hiện trạng của dự án.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Bộ GTVT việc sớm hoàn thành, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc là rất cần thiết và cấp bách.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các dự án đường bộ cao tốc mới, cũng như sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ (nhất là các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu công trình phụ trợ, trạm dừng nghỉ, các nút giao chưa phù hợp…).
-
Chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ về các tuyến cao tốc 2 làn xe
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương báo cáo giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ.
-
Hai tuyến cao tốc nào vừa được bổ sung vào quy hoạch?
Chính phủ vừa đồng ý bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hai dự án cao tốc gồm Cà Mau – Đất Mũi và Quảng Ngãi – Kon Tum.
-
Loạt “ông lớn” Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát… đứng trước thời cơ chưa từng có
ACBS kỳ vọng các ông lớn ngành nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng như Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát sẽ bứt phá nhờ việc hưởng lợi từ cơ hội đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay.
-
12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào sẽ được khởi công trong năm 2025
Trong năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khởi công 12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên cả nước. Trong đó, nhiều dự án sẽ được khởi công ngay trong đầu năm 2025.