Theo quy định tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP HCM, thời gian giải quyết các thủ tục nhà đất, trong đó có cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận), là từ 20-30 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, để làm thủ tục này phải gõ rất nhiều cửa, mất từ 3 tháng đến 1 năm, thậm chí hơn 2 năm. Ngán ngại nhất là cách hướng dẫn lòng vòng, “hiểu sao thì hiểu” của cán bộ thụ lý hồ sơ khiến người dân luôn trong tư thế lúng túng, mù mờ.
10 tháng để hoàn tất bản vẽ
Cầm tấm bản vẽ sơ đồ hiện trạng có dấu mộc và chữ ký xác nhận của cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận, ông Phạm Ngọc Phúc (ngụ đường Trường Sa, phường 13, quận Phú Nhuận) ngao ngán: “Chỉ riêng bản vẽ này, tôi phải mất 10 tháng mới hoàn tất để bổ túc hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận”.
Để hoàn tất bản vẽ sơ đồ hiện trạng, ông Phạm Ngọc Phúc phải mất 10 tháng
Dẫn chứng cho hành trình 2 năm rưỡi “trầy vi tróc vảy” đi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận, ông Phúc kể ngày 2-11-2012, ông bắt đầu nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND quận Phú Nhuận, cán bộ thụ lý hẹn 28 ngày sau quay lại nhận kết quả. Đúng hẹn, ông Phúc đến, cán bộ thụ lý yêu cầu đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để được hướng dẫn bổ túc hồ sơ. Tại đây, cán bộ Phòng TN-MT lại đề nghị bổ túc bản vẽ hoàn công. “Do khi mua nhà, chủ cũ không giao bản vẽ hoàn công nên cán bộ Phòng TN-MT yêu cầu tôi liên hệ Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) để có hướng dẫn cụ thể. Chạy qua Phòng QLĐT, cán bộ lại nói chờ để lục tìm bản vẽ hoàn công... Kiếm hoài không ra, cán bộ “phán” tôi phải đi vẽ bản vẽ hiện trạng” - ông Phúc ấm ức kể lại việc bị cán bộ hướng dẫn “đẩy đưa”.
Sau khi nhờ một công ty đo vẽ hiện trạng nhà, tháng 1-2013, ông Phúc nộp cho Phòng QLĐT. Bản vẽ này bị cán bộ cho là sai, yêu cầu chỉnh sửa lại. Thế rồi, cứ mỗi lần ông Phúc nộp bản vẽ mới lại bị cán bộ… chê. Chỉnh sửa không dưới 10 lần, đến tháng 11-2013, bản vẽ mới được cán bộ phòng QLĐT ký xác nhận.
“Phải chi họ hướng dẫn rõ ràng một lần để người dân nắm rõ, đằng này cứ “nhỏ giọt”. Thậm chí, cán bộ Phòng TN-MT nói thế này nhưng Phòng QLĐT lại thế khác. Nản quá, có lúc tôi định bỏ cuộc nhưng lỡ phóng lao phải theo lao” - ông Phúc bức xúc. Không chỉ bị “hành” với bản vẽ hiện trạng, ông Phúc cũng mất 4 tháng sửa tới sửa lui để hoàn tất bản vẽ sơ đồ nhà - đất theo đề nghị của Phòng TN-MT. Đến tháng 2-2014, hồ sơ được xem là ổn vì không thấy cán bộ thụ lý nhắn bổ túc gì nữa nhưng phải 3 tháng sau, ngày 22-5, ông Phúc mới có được giấy chứng nhận.
Công khai kiểu hình thức
Không “dài cổ” chờ đợi như ông Phúc, ông Nguyễn Văn Ninh (đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7) may mắn hơn khi được UBND quận 7 giải quyết cấp đổi giấy chứng nhận sau gần 4 tháng nộp hồ sơ. Kể về hành trình đi làm thủ tục, ông Ninh cho biết cũng đã rất trầy trật với tấm bản vẽ. Đầu tháng 12-2013, ông Ninh nộp hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận, bộ phận thụ lý hồ sơ của UBND quận 7 hẹn 30 ngày. Đúng hẹn, ông Ninh đến, cán bộ thụ lý trả lời bản vẽ hiện trạng sai, yêu cầu vẽ lại. Không muốn mất thời gian, ông Ninh thuê đơn vị dịch vụ đo vẽ và bổ túc chỉ sau vài ngày. Lần này, cán bộ thụ lý cũng hẹn 30 ngày và rồi câu trả lời vẫn là “bản vẽ sai, hồ sơ bị từ chối”. Lần thứ 3 vẽ lại, chờ đợi thêm 30 ngày, cuối cùng ông đã cầm được giấy chứng nhận.
“Lúc nhận hồ sơ, cán bộ thụ lý đã ghi lại số điện thoại của người dân để liên hệ. Nếu hồ sơ có sai sót hay cần bổ sung gì, cán bộ phải liên lạc ngay để người dân kịp thời thực hiện. Vậy mà cứ đợi đúng 30 ngày theo lịch hẹn, cán bộ mới nói. Rõ ràng quy trình giải quyết thủ tục hành chính quá cứng nhắc, quan liêu” - ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, để kiểm tra đường đi của hồ sơ đã được thụ lý, người dân nhập tên và mã số in trên giấy hẹn vào chương trình có sẵn trên website của UBND quận 7. Ông Ninh làm theo hướng dẫn thì thấy trên website hiển thị sau 2 ngày nộp, hồ sơ của ông đã nằm tại Phòng TN-MT. Thế nhưng, phải đúng 30 ngày, ông mới có thể biết hồ sơ mình sai sót hay cần bổ túc gì. “Việc UBND quận 7 công khai đường đi của hồ sơ trên website là đáng hoan nghênh nhưng nếu công khai… cho có thì cũng chỉ là hình thức” - ông Ninh nói.