UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu, xem xét cho bổ sung, nối dài tuyến Metro số 1 về địa phương này.
Phù hợp và đồng bộ
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc kéo dài tuyến Metro số 1 thêm 4,7 km về ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông của TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn đến và sau năm 2020. Trong đó, quy hoạch 8 tuyến metro từ TP HCM sẽ được phát triển, xây dựng hiện đại kết hợp với các đô thị trong vùng chiến lược như TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Tân An (tỉnh Long An)…
Riêng tỉnh Đồng Nai, chủ trương quy hoạch ban đầu của tỉnh là sẽ kéo dài tuyến tàu điện ngầm kể trên đến khu vực ngã tư chợ Sặt (Quốc lộ 1, phường Tân Biên, TP Biên Hòa). Tuy nhiên, bước đầu tỉnh xin thực hiện chủ trương kết nối đến ngã tư Vũng Tàu, sau đó sẽ kết nối về phía cầu An Hảo (đang được xây dựng) và trung tâm TP.
“Việc nối dài metro về Biên Hòa là hoàn toàn hợp quy trình phát triển. Hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn xin chủ trương thực hiện nên chưa có quy trình chi tiết. Tuy nhiên, trước mắt lộ trình là rất thuận lợi. Dự án nếu thực hiện sẽ kéo thẳng qua cầu Đồng Nai, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng khá đơn giản…” - ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho hay.
Cũng theo ông Liêm, sở dĩ vấn đề giải phóng mặt bằng cho việc nối dài tuyến Metro số 1 trên địa bàn đơn giản là vì tỉnh đang có sẵn quỹ đất nhờ vừa quy hoạch để sửa sang, phát triển trục giao thông xung quanh Quốc lộ 1 và việc phối hợp sử dụng quỹ đất qua các KCN trên địa bàn.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Công Minh, Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương, cho biết tỉnh này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho xây dựng tuyến metro nối tuyến Bến Thành - Suối Tiên với TP Mới Bình Dương. “Bình Dương đang trong giai đoạn kêu gọi vốn và thực hiện các thủ tục để trình các bộ - ngành thẩm định, xem xét về dự án lớn này” - ông Minh nói.
“Nếu cả Đồng Nai và Bình Dương cùng kéo dài tuyến Metro số 1 sẽ vô cùng thuận lợi, phù hợp và đồng bộ” - đại diện UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Nhất cử lưỡng tiện
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng thời gian qua, dù kinh tế và quy hoạch đô thị, giao thông có sự bứt phá với hàng loạt công trình dự án lớn đã hoàn thành như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; công trình cải tạo Quốc lộ 1 và 51; Quốc lộ 20 đi Tây Nguyên; cầu Đồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu giúp địa bàn được hưởng lợi. Thế nhưng, việc kéo dài tuyến Metro số 1 đến ngã tư Vũng Tàu vẫn là tối cần thiết cho tỉnh này.
Lý giải sự tối cần thiết này, một cán bộ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Đồng Nai nằm ở cửa ngõ TP HCM, trên địa bàn tỉnh có gần 30 KCN nên nhu cầu đi lại rất lớn. Nối dài tuyến Metro số 1 cũng là một trong những giải pháp hiệu quả phục vụ người dân, giảm tải các phương tiện đường bộ, mở toang cửa ngõ ra vào giữa TP HCM và Đồng Nai”.
Trong khi đó, ông Trịnh Tuấn Liêm phân tích: “Với hạ tầng giao thông hiện nay của Đồng Nai, kết nối từ tuyến metro đến TP HCM thì tỉnh có thêm nhiều cơ hội phát triển. Theo đó, nếu được chấp thuận, tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với TP HCM và tỉnh Bình Dương để có kế hoạch phát triển thuận lợi, hợp lý”.
Ở phần tỉnh Bình Dương, theo ông Huỳnh Công Minh, khi dân số Bình Dương đủ đông, nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng lên cao thì tuyến metro kết nối với Suối Tiên hình thành sẽ rất đẹp bởi theo quy hoạch, phần lớn chiều dài tuyến metro này chạy dọc tuyến đường lớn mà Bình Dương vừa xây dựng là đường Mỹ Phước - Tân Vạn. “Trong tương lai, Suối Tiên sẽ là trung tâm metro, giúp 3 địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai tăng kết nối, phát triển kinh tế, giảm ùn tắc. Như vậy là nhất cử lưỡng tiện” - ông Minh nhận định.
Một cán bộ làm công tác quy hoạch ở Bình Dương nhận định chuyện Đồng Nai và Bình Dương muốn kéo dài tuyến Metro số 1 về phía mình còn có một nguyên nhân mang tính quyết định nữa là chuyện liên kết vùng. “Hiện tại, tôi nhận thấy sự gắn bó, liên kết vùng giữa 3 địa phương TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương còn yếu, lỏng lẻo lắm. Như Bình Dương chúng tôi, muốn làm cái gì để cả vùng kết nối cùng phát triển thì cũng phải đi xin phép, hết sức rườm rà” - vị này thẳng thắn.
Bình Dương đưa xe buýt nhanh kết nối trước Trong khi dự án metro nối Bình Dương với TP HCM đang còn trong giai đoạn nghiên cứu thì tỉnh Bình Dương đã khảo sát thực hiện dự án xe buýt cao tốc (BRT) nối TP Mới Bình Dương với Suối Tiên. Phần lớn lộ trình tuyến xe buýt nhanh này cũng chạy dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Kinh phí dự tính đầu tư cho dự án lên đến 3.500 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Bình Dương kỳ vọng khi đưa vào hoạt động dự án xe buýt cao tốc này sẽ vận chuyển hàng vạn lượt khách mỗi ngày. |