Tiền nằm trong két, dự án đói vốn, tăng trưởng GDP không cao... trong khi đầu tư công vẫn cứ ì ạch giải ngân. Nghịch lý này đã kéo dài nhiều năm nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm.
Vốn đầu tư công giải ngân còn quá ì ạch. ẢNH: NGỌC THẮNG
Trăm sự tại... trời và thủ tục!
Năm 2017, Quốc hội (QH) giao tổng vốn đầu tư công từ ngân sách 357.150 tỉ đồng, trong 8 tháng đã giải ngân 137.076 tỉ đồng, đạt 38,4% kế hoạch.
Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được 2.460 tỉ đồng, chỉ bằng 4,9% dự toán QH quyết định.
Tỷ lệ giải ngân như trên, theo Bộ Tài chính, là thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Trong đó, 13/44 bộ, ngành và 4/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như Bộ Y tế (19,2%), Liên minh HTX VN (12,9%), Bộ Ngoại giao (5,3%), Ngân hàng Nhà nước VN (7%)…
Còn một đơn vị là Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN chưa thực hiện giải ngân kế hoạch.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT), cho rằng ngoài thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thời tiết cũng là một nguyên nhân. Nhiều dự án không thể thi công do trời mưa nên không thể lập hồ sơ thanh toán để giải ngân.
Còn theo ông Triệu Thọ Hân, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), chậm là do chế độ quy định điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới khó khăn hơn, đòi hỏi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30.10 của năm trước năm kế hoạch…
Tình trạng vốn đầu tư công không giải ngân được đã diễn ra nhiều năm nay, song vẫn không được rút kinh nghiệm để giải quyết rốt ráo. Hậu quả, nhiều dự án bị đói vốn, kéo theo các ngành xây dựng cơ bản gặp khó khăn, tăng trưởng hụt hơi không đạt mục tiêu đề ra.
Nghịch lý ở chỗ, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 8 tháng qua, Kho bạc Nhà nước phải mang 160.000 tỉ đồng đi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Tình trạng có tiền không tiêu được, còn ngân sách mỗi ngày phải chi 770 tỉ đồng để trả nợ khiến đầu tư công đang rất lãng phí, nợ công ngày một tăng cao.
Chưa ai bị truy trách nhiệm
Theo điều 46 luật Đầu tư công, có các trường hợp được điều chỉnh chương trình, dự án. Tuy nhiên, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật chưa quy định trình tự, thủ tục đối với trường hợp chủ đầu tư đề xuất tăng hoặc giảm quy mô dự án; tăng, giảm tổng mức đầu tư của chương trình.
Chính điều này dẫn tới các dự án phải chờ đợi. Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH, nói: “Có nhiều lý do, trong đó có khâu thủ tục thẩm định lại nguồn vốn, thay đổi quyết định đầu tư phải báo cáo, xin Thủ tướng... quá chậm trễ nên không giải ngân nổi. Nhưng tựu trung do năng lực yếu kém, luật Đầu tư công lại cho phép giải ngân kéo dài cả năm nên họ cử đủng đỉnh thế”.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu VN, cho biết nguyên nhân chính khiến 160.000 tỉ đồng trong kho bạc phải đem gửi ngân hàng, còn huy động trái phiếu chính phủ bị ế, vốn đầu tư công không ra được do giải ngân quá chậm, là đa phần các bộ, ngành, địa phương khi triển khai trên thực tế đều sai lệch rất lớn với kế hoạch được giao.
Ngoài những vấn đề khách quan như thủ tục đầu tư, làm kế hoạch không sát, phải xem xét lại vai trò và trách nhiệm của những người có liên quan. “Năm nào cũng phải lập kế hoạch, cũng phải giải ngân, lệch pha 1 năm thì được nhưng lệch liên tục nhiều năm thì phải xem lại”, ông Quỳnh đề nghị.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, giải ngân vốn đầu tư công bị chậm có đủ mọi lý do được đưa ra, nhưng quan trọng là kỷ luật chưa nghiêm minh. “Tôi vẫn chưa thấy có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này. Đề nghị cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm gắn với từng cá nhân, địa chỉ rõ ràng. Có như vậy thì mới hết cảnh có tiền mà không tiêu được, trong khi người dân vẫn phải gánh nợ công”, ông Long nói.
Anh Vũ (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.