CafeLand - Bất động sản rơi vào khó khăn đã 4 năm nay và làm thế nào để có thể thoát khỏi khó khăn có lẽ là điều mà các doanh nghiệp bất động sản mong muốn nhất. Dưới đây là những biện pháp gỡ rối cho thị trường của các chuyên gia trong ngành.

Thị trường bất động sản khó khăn đòi hỏi các doanh nghiệp phải vạch ra chiến lược cụ thể để vượt khó. Ảnh TT

Tại một hội thảo được tổ chức vào cuối tháng 1/2013, Tiến Sĩ Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để vực dậy thị trường bất động sản cần phải chính quy hóa thị trường bất động sản và nâng cao kỷ luật thông tin trên thị trường. Điều này cần đến một kỷ luật thông tin giữa chủ thể tham gia giao dịch trên thị trường, các sàn giao dịch bất động sản và các cơ quan quản lí nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó cần phải xúc tiến sự ra đời của quỹ tín thác và quỹ tiết kiệm nhà ở để phục vụ cho những người nguồn tài chính đủ mức, có mong muốn đầu tư bất động sản cũng như hỗ trợ cho những người có nguồn tài chính hạn hẹp nhưng có mong muốn mua nhà để ở. Về bản thân các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự tìm ra lối đi phù hợp với bản thân mỗi doanh nghiệp để có thể có định hướng phát triển tốt nhất cho doanh nghiệp mình.

Riêng với ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch hiệp hội bất động sản Tp.HCM, để có thể “vượt vũ môn” trong năm 2013, các doanh nghiệp bất động sản cần sớm rà soát, tái cấu trúc bộ máy, cơ cấu lại đầu tư, kiên quyết đình hoãn hoặc giãn tiến độ dự án, cơ cấu lại sản phẩm, hoặc xin phép điều chỉnh công năng cũng như quy mô căn hộ nhằm phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng tài chính của khách hàng. Nếu tiến hành những biện pháp trên mà vẫn chưa thể thoát khó thì các doanh nghiệp cần tính đến việc chấp nhận giảm giá bán thậm chí “bán lỗ để cắt lỗ” để giải quyết bài toán hàng tồn kho và nợ xấu.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Châu vẫn tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước thì thị trường bất động sản sẽ có những bước dịch chuyển tích cực, khó khăn sẽ giảm dần. Đồng thời với việc sửa đổi hiến pháp và luật đất đai và cá quy phạm pháp luật khác sẽ đặt nền tảng cho thị trường bất động sản hồi phục và phát triển lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững trong những năm tiếp theo.

“Trung thành” với dòng sản phẩm căn hộ nhỏ giá thấp, ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, bản thân doanh nghiệp khó tự giải cứu nếu các chính sách chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông đề xuất, Chính phủ nới lỏng chính sách để doanh nghiệp tự cứu mình, mà cụ thể là cho phép đầu tư căn hộ 25m2 như nhà ở xã hội. Đồng thời cho phép mở rộng mô hình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại gọi là nhà bình dân với điều kiện quy hoạch, kiến trúc, diện tích nhà, tiền sử dụng đất như nhà ở xã hội có giá bán bằng hoặc thấp hơn nhà ở xã hội và được phép bán rộng rãi cho mọi nhà.

Có thể thấy, thị trường đã trải qua một thời gian vật vã tự cứu với “trăm phương ngàn kế” được đưa ra nhằm gỡ khó cho thị trường. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp vẫn đang mắc kẹt trong vũng lầy tăm tối mà lối ra rất hẹp. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đưa ra từng chiến lược rõ ràng và vạch ra sách lược cụ thể để thực hiện mục tiêu chiến lược đó căn cứ vào tình hình thực tế của mình, tránh tâm lý a dua, ồ ạt theo thị trường vì mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng để phát triển một dòng sản phẩm đặc thù. Có làm được như vậy, hy vọng trong thời gian tới từ 2 đến 3 năm nữa khi những chính sách giải cứu từ phía Chính phủ phát huy tác dụng thị trường sẽ phát triển hơn, tất nhiên không thể phát tiển rực rỡ trở lại như thời hoàng kim những năm 2008 nhưng sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.