"Đất vàng" bỏ hoang đang sinh ra một khoản kếch xù cho một nhóm người "thừa đục thả câu" với muôn vàn rắc rối về môi trường, mỹ quan đô thị và tình hình an ninh trật tự...
Các sân bóng cũng thi nhau mọc lên trên đất bỏ hoang
Cuộc đổ bộ chiếm đất
Thay cho những tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại được dựng lên như trong quy hoạch đã được phê duyệt, hàng trăm nghìn m2 đất la liệt trong các quận nội thành của TP. Hà Nội bỗng trở thành các ki -ốt bán hàng, trạm rửa xe, sân bóng mini, gara ô tô... thậm chí là cả quán bia hơi, trà đá. Nhiều người thắc mắc, vì sao những khu đất nằm trên địa thế đắc lợi có giá trị hàng trăm tỷ đồng lại được chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng lạ lùng đến như vậy.
Nhưng ít ai biết, phía sau của sự thay hình đổi dạng đó là những khoản lợi nhuận kếch xù rót vào túi những ông "trùm" ôm đất "treo" để cho thuê lại. Tiền thuế sử dụng đất chưa biết các chủ đầu tư đóng cho Nhà nước ra sao, nhưng hiện trạng cho thấy, nhiều chục tỷ đồng thu lợi bất chính đã làm giàu cho một nhóm người có máu mặt, trong khi người dân vẫn mỏi mòn chờ đợi quỹ đất mong mua được nhà giá rẻ.
Điển hình phải kể đến hàng loạt khu đất chậm triển khai dự án trên đường Phạm Hùng (đoạn từ ngã tư Lê Văn Lương đến cầu vượt Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội). Cách đây nhiều năm, TP. Hà Nội đã có quyết định phân đất cho các Tổng công ty lớn thực hiện các dự án nhà ở, trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng. Mặc dù trên thực tế, các khu đất đã được phân ô chỉ rõ cho các chủ đầu tư, nhưng đã nhiều năm trôi qua các dự án vẫn nằm trên giấy. Thay vào đó, hàng loạt ki -ốt kinh doanh ô tô, sân bóng đá, quán ăn... mọc lên như nấm. Thậm chí, để tận dụng tối đa đất thừa thãi này, các biển hiệu, ki-ốt được căng bạt, dựng rào tôn, thép gai lởm chởm cũng đua nhau chen lấn, giành giật từng m2 còn sót lại. Phía ngoài mặt tiền được mặc định phục vụ kinh doanh, bán lẻ, phía trong được quây tôn, dựng nhà tạm làm nhà kho, xưởng sửa chữa ô tô... Hầu hết, các công trình đều hết sức tạm bợ, phản cảm, gây bức xúc cho người dân.
Cách đó không xa, KĐT Nam Trung Yên (đoạn gần tòa nhà Keangnam), trên cung đường được nối từ đường Phạm Hùng đến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, hàng loạt khu đất chưa triển khai dự án cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một số người dân sống gần cho biết, sau khi con đường này được mở, đã thấy gara rửa xe, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, quán ăn và sân bóng đá,... mọc lên trên mảnh đất mà trước đó được giới thiệu để dành cho những dự án của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước xây dựng các công trình cao tầng.
KĐT Mỹ Đình cũng được liệt kê vào danh sách "nhảy dù" đất dự án nhiều nhất, khi hàng loạt khu đất bỏ không ở đầu và cuối đường Lê Đức Thọ đang bị các nhà hàng, quán ăn "băm" nát thành từng ô nhỏ để chia phần kinh doanh buôn bán. Đáng lưu ý nhất là cuộc "xâm lăng" chiếm dụng khu đất bị bỏ hoang từ nhiều năm nay ở ngã ba trên tuyến đường từ Mai Dịch rẽ vào Lê Đức Thọ. Ông chủ đang giữ "sổ đỏ" của khu đất này là ai vẫn là điều bí mật. Chỉ biết rằng, đã nhiều năm nay, khu đất đã không được ai ngó ngàng tới ngoài những vị chủ quán ăn đang bám vào đó để kiếm bộn tiền.
Sẽ không khó nếu chúng ta muốn biết rõ nghịch lý này. Chỉ cần chạy xe một vòng quanh 4 khu đô thị nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (TP. Hà Nội) là thấy được hiện trạng đất công bị "xẻ thịt" tại địa bàn các quận Hoàng Mai, Long Biên,... cảnh tượng đất công bị chiếm dụng càng muôn hình vạn trạng. Tình trạng trên không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mất trật tự xã hội mà còn gây nên sự lộn xộn, ô nhiễm môi trường khiến ai đi qua cũng cảm thấy bức xúc, khó chịu.
Bỏ túi hàng chục tỷ đồng nhờ dự án treo
Trong vai người có nhu cầu mặt bằng lớn để kinh doanh, sau một ngày lân la trà vỉa hè, chúng tôi đã tiếp cận được với H. - một đầu nậu tự xưng đang "ôm" trong tay hàng chục nghìn m2 đất trống thuộc khu vực Đông Nam Hà Nội. Không vòng vo, H. cao giọng: "ở đây cho thuê là ký trực tiếp chủ đất chứ không qua trung gian. Bây giờ bạn không thuê ngay, chỉ tháng nữa thì tìm đỏ mắt cũng chẳng còn đất đâu mà làm". Chúng tôi hỏi điều kiện, thủ tục thuê đất ra sao, H. không ngần ngại: "Sẽ có giấy tờ ký kết giao kèo, hầu hết là đất dự án nên sẽ cho thuê đến khi dự án triển khai thì thôi, nhưng trước khi triển khai sẽ được thông báo ít nhất 6 tháng".
Các quán ăn đang sinh lợi tiền tỷ từ "đất vàng"
Thấy chúng tôi đã thuận, H. giới thiệu luôn: "Nếu muốn làm sân bóng, tennis, tôi hiện có 30.000m2 đất đường Lê Văn Lương kéo dài, giá 25.0 00đ/m2/tháng và hơn 3.000m2 đất đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài với giá 25.000đ/m2. Gara ô tô thì có: 450m2 đất mặt đường Nam Trung Yên, giá 65.000đ/m2; 3.000m2 nhà xưởng mặt đường Lê Trọng Tấn, giá 40.000đ/m2 và 500m2 ở đường Lê Đức Thọ, mặt tiền 20m, giá 20 triệu/tháng. Đất mở quán bia thì phải thuê với giá cao hơn, từ 70.000 - 120.000đ/m2, tùy thuộc vào vị trí trên các tuyến đường như: Lê Văn Lương kéo dài, Lê Đức Thọ,... Với lý do để tính toán thêm, chúng tôi hẹn H. vào một ngày gần nhất đi xem đất. H. đồng ý và không quên nhắn nhủ: “Các bạn tìm đến đây là đúng gốc rồi, đừng lang thang mà bị bọn cò đất nó cắt mất vài ngàn đồng/m2 thì mệt lắm. Nếu chưa tin đây là giá tốt nhất thì các bạn cứ lên mạng mà tham khảo".
Nghe theo lời gã đầu nậu ôm đất dự án này, gõ trên google với nội dung "cho thuê đất dự án", chúng tôi giật mình khi có hơn 70 triệu kết quả rao thông tin trên. Sau khi tham khảo giá trên mạng, cũng như đối chiếu khung giá chào hàng của H., thử làm nhanh một phép tính đơn giản, với mức giá cho thuê trung bình từ 40.000 - 70.000đ/m2, một khu đất có diện tích 1.000 m2 sẽ đem lợi về cho "cò" mỗi tháng từ 40 - 70 triệu đồng. Trong khi, trong tay H. đang nắm hàng chục nghìn m2 đất, thì mỗi năm bỏ túi vài chục tỷ đồng, một con số siêu lợi nhuận mà chẳng sợ ai... sờ gáy. Vì thế, cũng dễ hiểu vì sao, với sức cuốn hút mãnh liệt này, các chủ đầu tư đang nắm đất trong tay vẫn vô tư... để không.
Mang câu hỏi về trách nhiệm quản lý đến gặp ông Vũ Đức Tòng, giám đốc BQLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ (Thanh Xuân) đơn vị được giao trọng trách quản lý một phần các khu đất chưa triển khai dự án nêu trên, chúng tôi nhận được lời giãi bày: "Theo quy định, khi thành phố giao cho Ban san lấp mặt bằng xong thì bàn giao cho thành phố, nhưng thành phố lại giao cho Ban làm cơ sở hạ tầng. Khi chưa có quyết định phê duyệt tỉ lệ 1/500 nên chúng tôi chưa thể làm được hạ tầng. Do đó, chúng tôi chỉ tạm quản lý, trông giữ cho thành phố mà thôi. Cái nút chính ở đây là tài chính, nếu không cho cửa mở về tài chính thì làm cái gì? Khi giao, thành phố bảo chúng tôi trông đi nhưng lại không cho tiền, cho người để trông giữ. Như vậy thì chúng tôi biết trông thế nào", ông Tòng khẳng định.