Hapro đang cho tư nhân thuê lại nhà 83 Hàng Gai thuộc sở hữu nhà nước. Ảnh: Minh Tuấn.
Trong tổng số 1.075 địa điểm nhà đất thuộc sở hữu nhà nước được thành phố Hà Nội cho hơn 800 doanh nghiệp, đơn vị thuê lại với tổng diện tích gần 190.000 m2, có hàng trăm trường hợp không sử dụng mà tự ý cho thuê lại.
Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) trên mặt phố Hàng
Gai sầm uất nhất nhì Thủ đô ngay sát Hồ Gươm có tới 3 địa điểm cho thuê
lại: Số 43 Hàng Gai cho thuê bán lụa tơ tằm với cái tên “Hương Silk –
Art”, số 63 Hàng Gai cho thuê kinh doanh thời trang, số 83 Hàng Gai cho
một hãng trang sức thuê lại.
Tại địa điểm rộng cả trăm m2 ở số 686 Đê La Thành, Hapro trưng biển “Đồ gỗ mỹ nghệ” nhưng thực chất đã cho “Đồ gỗ Tùng Lâm” thuê lại bán đồ gỗ nội thất.
Tại khu đất vàng ở số 2 Nguyễn Thái Học, sát ngã tư Cửa Nam, cũng chính Hapro cho Cty Cổ phần Fiona Việt Nam thuê lại cả trăm m2 nhà mặt đường để kinh doanh quần áo thời trang. Mặc dù đã cho thuê lại
kiếm lợi nhưng vẫn treo bên trên tấm biển to tướng mang tên Hapro.
Tại địa chỉ 92 Trần Nhật Duật, HTX Vĩnh Long đã cho tư nhân thuê lại kinh doanh nhà hàng ẩm thực Trung Hoa; tại 51 Cửa Nam, Cty Nông sản cũng cho thuê lại. Tại số 10 Đặng Dung, đơn vị được nhà nước cho thuê cũng đã cho tư nhân thuê lại bán điện thoại di động...
Căn nhà 2 tầng diện tích 155 m2 trên khuôn viên đất 250 m2 tại số 96 Hàng Trống thuộc diện nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước cho xí nghiep hoá mỹ phẩm thuê với giá “bèo”, chưa đến 100.000 đồng/m2/tháng.
Nhưng xí nghiệp này đã cho Cty TNHH Duy Nghĩa “hợp tác
kinh doanh” thời hạn 10 năm với điều kiện hằng tháng Cty Duy Nghĩa trả
cho xí nghiệp chỉ vỏn vẹn 1.500 USD.
Trong quá trình sử dụng, Cty Duy Nghĩa đầu tư cải tạo lại nhà 96 Hàng Trống thành nhà 4 tầng với diện tích hơn 1.000 m2 sàn xây dựng để mở cửa hàng tranh mỹ thuật...
Tiền chênh lệch lớn đi đâu?
Hapro cho thuê tại địa chỉ 686 Đê La thành. Ảnh: Minh Tuấn.
Có rất nhiều cách kiếm lợi từ khu nhà, đất thuê của nhà nước được người ta áp dụng. Mặc dù chỉ được thành phố cho thuê địa điểm số 4 Phạm Ngọc Thạch trong thời hạn ngắn nhưng Tổng Cty kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực (nay đã sáp nhập vào Handico) đã ký hợp đồng cho Ngân hàng NN&PTNT thuê tới 30 năm!
Dựa vào hợp đồng này, ngân hàng xây dựng tại đây cao tới 9 tầng và tòa nhà 5 tầng trên diện tích 1.500 m2 đất.
Lý giải thực trạng trên, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, mức giá thuê của nhà nước từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/m2/tháng
bao gồm cả tiền đất đối với nhiều vị trí nhà mặt phố có giá trị thương
mại cao ở khu vực Hồ Gươm, Hàng Gai, khu phố cổ, khu Trần Hưng Đạo, Lý
Thường Kiệt hoặc thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống
Đa là mức giá quá “bèo” so với thị trường.
“Quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện có doanh nghiệp lớn thuê nhà của nhà nước trên phố Hàng Gai với giá hơn một trăm ngàn đồng/m2/tháng nhưng cho thuê lại giá gấp chục lần, hơn một triệu đồng/m2/tháng.
Nếu tính tổng phần chêch lệch từ toàn bộ quỹ nhà mà
các đơn vị cho thuê lại hưởng lợi là rất lớn. Vậy phần chênh lệch ấy đi
đâu?”- một cán bộ có trách nhiệm của Sở Tài chính nói.
Sự bất hợp lý trong quản lý quỹ nhà khá rõ ràng và đã
được biết đến, nhưng không xử lý, ngăn chặn thì không thấy tính quyết
liệt. Đó là chưa kể hằng năm thành phố phải bỏ ra số tiền không nhỏ để
quản lý, nâng cấp quỹ nhà này.
Đề nghị bán đấu giá 380 căn nhà
Sở Xây dựng đề xuất tạm chia ra 4 loại nhà gồm: Tiếp
tục quản lý cho thuê tại 158 địa điểm; Phát triển mở rộng quy mô tại 100
địa điểm; Chuyển đổi thành công sở nhà nước 284 địa điểm và chuyển
nhượng toàn bộ 380 địa điểm.
Ngoài ra, 143 địa điểm đang có vi phạm, khiếu kiện khác
cần được xác minh, xử lý. Trong báo cáo vừa gửi UBND thành phố Hà Nội,
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Hà Ninh đề nghị: Các cơ sở nhà đất nhỏ
lẻ, xen lẫn với nhà dân có diện tích dưới 50 m2 đề xuất xử lý
thu hồi bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá
thị trường thông qua đấu giá. Thu hồi và bán đấu giá các cơ sở nhà đất
khác sử dụng không đúng mục đích…, sử dụng kém hiệu quả, bị lấn chiếm.
Đối với mức giá thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng cần xác định theo giá thị trường.
Những hợp đồng thuê nhà đã hết hạn trong năm 2012 phải
thực hiện theo cơ chế đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch đáp ứng
nhu cầu của tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu thuê, góp phần tăng thu
ngân sách.
Sở Tài chính đề nghị Cty TNHH một thành viên Quản lý
và Phát triển Nhà Hà Nội khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ, hiện trạng
quản lý, sử dụng để phân loại đánh giá thực trạng các cơ sở nhà đất, số
lượng hợp đồng thuê nhà; dừng ký hợp đồng thuê mới với các cơ sở sử dụng
nhà đất không hiệu quả, sử dụng sai mục đích vi phạm các quy định về
quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
“Cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc
chậm trễ báo cáo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất”- Sở Tài chính đề
nghị.
Trong khi đó, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, đang có
tình trạng “biết cả mà không ai làm” trong xử lý quỹ nhà này tại Hà Nội.
“Đây là chuyện rất nhức nhối, nhưng không biết quyết tâm của lãnh đạo
Hà Nội đến đâu?”- đại diện Bộ Xây dựng lo ngại.
Trao đổi vớ i Tiền Phong, đại diện Sở Xây
dựng Hà Nội cho biết, doanh nghiệp thuê nhà của nhà nước không được phép
cho thuê lại, nếu dùng mặt bằng liên doanh liên kết với các đơn vị khác
thì phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cho thuê. Tất cả các doanh nghiệp thuê nhà của nhà
nước đều chưa có đề nghị liên doanh liên kết. Nên nếu nói là liên doanh
liên kết cũng chỉ là biến tướng, bản chất là cho thuê nhà. "Hà Nội đang sắp xếp, xử lý 21 cơ sở nhà
đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó có 10 biệt thự thuộc các khu phố cũ
gồm 40 Tăng Bạt Hổ, 8 Thiền Quang, 14 Ngô Văn Sở, 64 Lý Thường Kiệt, 68
Lý Thường Kiệt, 340 Bà Triệu, 40 Trần Hưng Đạo, 59B Hai Bà Trưng, 3
Nguyễn Huy Tự, 26 Nguyễn Huy Tự..."
Cho thuê lại với nhiều biến tướng tinh vi