Theo Bộ Công thương đánh giá, ngành thép Việt Nam hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Thừa đối với thép xây dựng còn thiếu thép phục vụ công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô, đóng tàu. Theo đó, nhập siêu của ngành thép chủ yếu nằm ở loại thép này.
Hiện năng lực sản xuất thép xây dựng trong nước đạt khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu.
Thép chế biến chế tạo sẽ trở thành mũi nhọn của ngành thép Việt Nam trong tương lai
Tuy nhiên, các loại thép chế biến chế tạo phục vụ ngành cơ khí, chế tạo, Việt Nam chỉ sản xuất và đáp ứng được một phần thép cuộn cán nóng HRC. Còn đối với các loại thép hợp kim, các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được các loại thép đặc biệt.
Theo dự báo sơ bộ của Bộ Công thương, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.
Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ, có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.
-
Ngành thép có giữ được đà tăng trưởng trong năm 2022?
Một loạt biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai gần đây cùng với biến động của thị trường thép thế giới đã tạo ra những động lực mới cho các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2022.